xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đàm phán để giải quyết tranh chấp trên biển Đông

Bài và ảnh: Đặng Quý (Từ Singapore)

Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh bày tỏ lo ngại về những vụ xâm phạm liên tục các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên biển Đông

Ngày 5-6, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã có bài phát biểu ấn tượng với chủ đề “Ứng phó với các thách thức an ninh biển mới” tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn An ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương 2011 (Đối thoại Shangri- La 10).

Gây lo ngại an ninh trong khu vực

Đại tướng Phùng Quang Thanh đánh giá tình hình biển Đông nhìn chung vẫn ổn định nhưng đôi khi vẫn xảy ra các va chạm, gây lo ngại cho các quốc gia ven biển. Gần đây nhất là vụ ngày 26-5, tàu khảo sát Bình Minh 02 của Việt Nam bị tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò khi đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, gây lo ngại đến việc duy trì hòa bình ổn định ở biển Đông cũng như khu vực và trên thế giới. Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định Việt Nam luôn coi an ninh quốc gia của mình gắn liền với an ninh khu vực và thế giới; mong muốn là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế… 
 
img
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh phát biểu
tại Diễn đàn An ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày 5-6
  
Sau bài phát biểu, Đại tướng  Phùng Quang Thanh đã giải đáp rõ ràng, hợp lý các câu hỏi liên quan tới những diễn biến gần đây ở biển Đông và chính sách quốc phòng của Việt Nam.
 
Đại tướng Phùng Quang Thanh nêu rõ: “Hiện ở biển Đông đang có tranh chấp chủ quyền giữa các nước là Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei. Vùng biển này chưa phân định được nên thỉnh thoảng trên biển Đông vẫn xảy ra những vụ việc đáng tiếc.
 
Không chỉ có vụ việc ngày 26-5 vừa qua mà vào năm 2010, khi Việt Nam khảo sát để lập hồ sơ báo cáo với Liên Hiệp Quốc về đường ranh giới ngoài của thềm lục địa, tàu của Việt Nam cũng bị tàu của Trung Quốc cắt cáp thăm dò.
 
Ngoài ra, còn có các vụ Trung Quốc bắt tàu cá và ngăn cản Việt Nam thăm dò dầu khí ở biển Đông trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Những vụ việc như vậy vi phạm luật pháp quốc tế và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC), gây lo ngại cho Việt Nam và các nước trong khu vực”.
 
Đường 9 khúc không có cơ sở pháp lý

Về việc hoạch định vùng đánh cá cho ngư dân, Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định Việt Nam luôn tuân theo UNCLOS 1982 (Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc) và hướng dẫn khu vực đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cho ngư dân.
 
Tuy nhiên, đôi khi ngư dân Việt Nam cũng vi phạm vùng biển của các nước xung quanh và ngư dân các nước vi phạm vùng biển của Việt Nam.
 
“Đối với những vụ việc này, chúng tôi cho rằng cần xử lý theo luật pháp quốc tế, theo tinh thần láng giềng hữu nghị và nhân đạo chứ không được xâm phạm thân thể và tài sản của ngư dân. Chúng tôi cũng thấy cần phải có hợp tác chặt chẽ về nghề cá giữa các nước, có tuần tra chung của hải quân, thiết lập đường dây nóng để duy trì an ninh trật tự trên biển, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân làm ăn” - Đại tướng Phùng Quang Thanh nói.

Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định Việt Nam chủ trương những tranh chấp song phương ở biển Đông thì giải quyết song phương, những tranh chấp đa phương thì đàm phán đa phương. Ví dụ như tranh chấp ở Trường Sa là tranh chấp đa phương. Đường 9 khúc mà Trung Quốc tuyên bố cũng là tranh chấp đa phương.
 
“Đường 9 khúc này không có cơ sở pháp lý, không đúng với UNCLOS 1982. Trung Quốc cần đàm phán giải quyết với các nước trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982 trên tinh thần hữu nghị, đưa ra giải pháp công bằng hợp lý mà các bên có thể chấp nhận để đạt được mục đích hòa bình và phát triển trong khu vực” - Đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh.

Về câu hỏi liên quan tới bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt tại Đối thoại Shangri-La 10, Đại tướng Phùng Quang Thanh đánh giá cao bài phát biểu này và cho rằng nó thể hiện rõ đường lối đối ngoại hòa bình và trách nhiệm của Trung Quốc trong quá trình phát triển hòa bình.
 
“Chúng tôi luôn mong muốn Trung Quốc thực hiện đúng như những tuyên bố của Trung Quốc với thế giới” - Đại tướng Phùng Quang Thanh nói.
 

Mua tàu ngầm để tự vệ 

Liên quan tới việc Việt Nam mua tàu ngầm, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết Việt Nam đã ký hợp đồng mua của Liên bang Nga 6 tàu ngầm lớp Kilo 686. Các tàu ngầm này sẽ chỉ hoạt động trong vùng biển của Việt Nam. “Việc làm bình thường này của chúng tôi rất công khai và minh bạch như tôi đã có dịp trả lời phỏng vấn báo chí trong nước” - Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định.
 
Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết Việt Nam đang thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong tình hình hiện nay, phát triển kinh tế được xác định là nhiệm vụ trung tâm và bảo đảm quốc phòng – an ninh để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên. Khi kinh tế phát triển, Việt Nam từng bước hiện đại hóa quân đội, trong đó ưu tiên hiện đại hóa hải quân, phòng không – không quân, thông tin liên lạc... để bảo vệ hòa bình, bảo vệ đất nước.
 
“Chính sách quốc phòng của Việt Nam là tự vệ chứ không nhằm vào nước khác và không bao giờ đi xâm lấn bờ cõi của nước khác. Chúng tôi xây dựng quân đội mạnh nhằm bảo vệ hòa bình để ai có ý đồ xâm chiếm Việt Nam cũng phải tính đến nhân tố này” - Đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo