Theo đài BBC (Anh), Nga sẽ áp dụng mức thuế mới cho hàng hóa xuất khẩu Ukraine, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2016.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết việc Kiev và EU đồng ý tạo ra khu vực thương mại tự do sâu rộng (DCFTA) sẽ biến Ukraine thành cửa sau để cơn lũ hàng xuất khẩu giá rẻ từ EU tràn vào Nga. Do vậy, Moscow phải dỡ bỏ tất cả ưu đãi về thương mại dành cho Kiev, buộc hàng xuất khẩu của nước này chịu thuế suất ngang bằng với các quốc gia khác. Nga cũng sẽ cấm thực phẩm nhập khẩu từ Ukraine bắt đầu từ ngày 1-1-2016.
Song Ủy ban châu Âu (EC) lại đổ lỗi cho Nga vì thất bại trong cuộc đàm phán DCFTA. Cho đến khi Nga loại bỏ ưu đãi thương mại, hàng nhập khẩu của Ukraine, trừ đường, vào Nga đều được miễn thuế.
Báo Financial Times cho biết tỉ trọng xuất khẩu của Ukraine sang EU đã tăng từ dưới 25% năm 2012 lên gần 35% trong 7 tháng đầu năm nay, trong khi thương mại hai chiều với Nga dần bị thu hẹp. Nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Ukraine từ Nga đã giảm đến mức tối thiểu.
Trước đó, hồi tháng 9, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ra lệnh trừng phạt 388 cá nhân, 105 doanh nghiệp và các tổ chức khác của Nga. EU cũng quyết định mở rộng lệnh trừng phạt Nga thêm 6 tháng - cho đến hết ngày 31-7-2016 - bởi thỏa thuận hòa bình Minsk nhằm giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine - sẽ không được thực hiện như dự kiến vào cuối tháng này
Hôm 21-12, Moscow tuyên bố họ sẽ có hành động pháp lý chống lại Kiev vì không trả được khoản nợ 3 tỉ USD vào hạn chót 20-12. Tại cuộc họp với các phó thủ tướng, Thủ tướng Dmitry Medvedev ra chỉ thị phải thu từ Ukraine tất cả các khoản nợ liên quan tới khoản vay 3 tỉ USD, bao gồm các hình phạt đối với các khoản thanh toán trễ, đồng thời yêu cầu thuê luật sư và chuẩn bị khiếu kiện để thu hồi khoản tiền này.
Tuy nhiên, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatseniuk cho rằng Nga từ chối tái cơ cấu nợ, bao gồm thỏa thuận cho Ukraine trả dần mỗi năm 1 tỉ USD trong vòng 3 năm, bắt đầu từ năm 2016. Ông Yatseniuk còn cáo buộc khoản nợ là món quà “hối lộ chính trị” của Nga dành cho cựu Tổng thống Viktor Yanukovych, người bị lật đổ và trốn sang Nga tháng 2-2014.
Cùng ngày 21-12, Bộ Ngoại giao Nga lên tiếng phản đối quyết định gia hạn lệnh trừng phạt 6 tháng của EU. Bộ này gọi hành động của Liên minh châu Âu là “đạo đức giả và không có cơ sở” vì Moscow “không có tội” đối với sự bùng nổ xung đột ở miền Đông Ukraine.
“Chúng tôi luôn hỗ trợ giải quyết cuộc xung đột bằng cách góp phần thực hiện thỏa thuận Minsk, loại bỏ vũ khí, ngừng bắn, hoạt động trên các khía cạnh kinh tế và nhân đạo vào năm 2015 nhưng Kiev ít thừa nhận những giá trị này” – Bộ Ngoại giao Nga đăng tuyên bố trên trang web chính thức.
Bình luận (0)