Hiện bà Hajarika sống trong một lều tạm được dựng trên những cọc tre. "Tôi không biết đi đâu nếu dòng sông lại gây ngập lụt nữa" - bà tâm sự.
Brahmaputra, một trong những dòng sông lớn nhất châu Á, bắt nguồn từ khu tự trị Tây Tạng ở Trung Quốc và chảy qua Ấn Độ, Bangladesh trước khi đổ vào vịnh Bengal. Con sông gây lũ lụt nghiêm trọng ở bang Assam, miền Đông Bắc Ấn Độ, vào mùa mưa hằng năm, buộc hàng chục ngàn người phải rời bỏ nhà cửa. Riêng năm 2017, gần 300 người đã thiệt mạng do lũ lụt ở bang này.
Người dân Assam lo sợ lũ lụt sẽ càng thảm khốc hơn kể từ tháng 5, khi Trung Quốc ngưng chia sẻ dữ liệu quan trọng về con sông. Dữ liệu này - liên quan đến dòng chảy, sự phân bổ và chất lượng nước - cung cấp thông tin về mực nước sông để báo động các quốc gia ở hạ nguồn trong trường hợp xảy ra lũ lụt.
Bà Bimati Hajarika, người đã thay đổi chỗ ở 5 lần do lũ lụt ở bang Assam - Ấn Độ Ảnh: BBC
Trước đây, Ấn Độ và Bangladesh đã thỏa thuận với Trung Quốc rằng quốc gia thượng nguồn sẽ chia sẻ dữ liệu thủy văn của sông Brahmaputra vào mùa mưa từ ngày 15-5 đến 15-10. Tuy nhiên, hồi tháng 8, giới chức Ấn Độ cho biết họ không nhận được dữ liệu nào cho năm nay. Sự im lặng này xảy ra ngay sau vụ căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc liên quan đến khu vực biên giới trên dãy Himalaya.
Nhà chức trách Trung Quốc hồi tháng 9 nhấn mạnh họ không có dữ liệu để chia sẻ bởi đang nâng cấp các trạm thủy văn. Tuy nhiên, đài BBC phát hiện Trung Quốc vẫn còn chia sẻ dữ liệu về sông Brahmaputra với Bangladesh.
Phía Trung Quốc cũng khẳng định không hề trữ nước hay chuyển hướng dòng chảy của sông Brahmaputra, đồng thời khẳng định không làm gì đi ngược lại lợi ích của các nước hạ nguồn. Tuy nhiên, giới chức bang Assam cho biết lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn từ tháng 5.
"Trước đây, chúng tôi thường hứng chịu 1-2 đợt lũ trong mùa mưa nhưng năm nay đã xảy ra 4 đợt lũ dù không mưa nhiều" - ông Himanta Sarma, Bộ trưởng Tài chính và Y tế bang Assam, nhấn mạnh.
Bình luận (0)