Cũng theo khảo sát của tờ Asahi (Nhật Bản), 2/3 người trong số này không tìm kiếm lời xin lỗi từ ông Obama về hành động thả hai trái bom nguyên tử xuống TP Hiroshima và TP Nagasaki vào cuối Thế chiến thứ 2.
Ông Kunihiko Iida, 73 tuổi, một trong những người trả lời cuộc khảo sát, giải thích: “Thay vì tìm kiếm lời xin lỗi từ ông Obama, điều quan trọng hơn là giúp ông ấy nhận ra sự khủng khiếp của bom nguyên tử để từ đó thúc đẩy thế giới loại trừ vũ khí hạt nhân".
Tổng thống Obama đặt vòng hoa tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima hôm 27-5. Ảnh: AP
Ông Iida là nhân chứng sống trong vụ nổ bom hạt nhân ở TP Hiroshima vào ngày 6-8-1945. Trong cuộc thăm dò của tờ Asahi năm 2005, ông từng yêu cầu Mỹ xin lỗi cũng như bồi thường cho các nạn nhân vụ ném bom nguyên tử.
Tuy nhiên, trong cuộc thăm dò tương tự hồi năm ngoái, ông Iida cho rằng tổng thống Mỹ nên đến thăm Hiroshima nhưng không cần phải xin lỗi. “Trong thâm tâm, tôi vẫn giận nước Mỹ và cần họ xin lỗi nhưng tôi không còn nhiều thời gian” - người đàn ông đang bị u não này chia sẻ.
Trong cuộc khảo sát trực tuyến hôm 11-5, Asahi đã hỏi 164 người sống sót sau 2 vụ ném bom nguyên tử nói trên về kế hoạch đến Hiroshima của ông Obama và nhận được 81 câu trả lời. 74 người trong số này khen ngợi quyết định thăm Hiroshima của ông Obama.
“Mặc dù quá muộn nhưng tôi đánh giá cao quyết định dũng cảm của ông ấy” - một người đàn ông 79 tuổi ở Tokyo nhận định. Tuy nhiên, một người khác nói ông cảm thấy không thoải mái khi hai chính phủ Nhật Bản và Mỹ mô tả chuyến thăm của ông Obama là minh chứng cho mối quan hệ đồng minh vững mạnh.
Khi được hỏi liệu họ có tìm kiếm lời xin lỗi của ông Obama hay không, 52 người trả lời không, 12 người nói có và 17 người không trả lời.
“Một lời xin lỗi có thể làm những người sống sót hài lòng nhưng nó có thể khiến người Mỹ không vui và gây ra những xung đột mới” - một người đàn ông 72 tuổi sống tại tỉnh Saitama, giải thích.
Bình luận (0)