30 năm nay, Đan Mạch xem việc giảm tiêu thụ năng lượng (than, xăng, dầu, khí...) là quốc sách hàng đầu, trong khi vẫn phát triển kinh tế mạnh mẽ.
Nhà nước khuyến khích kiến trúc sư vẽ những kiểu nhà cách nhiệt và dân chúng dùng những dụng cụ, thiết bị gia đình tốn năng lượng tối thiểu. Ngược lại, chủ nhân những công trình không đạt yêu cầu về tiết kiệm năng lượng có thể mua lại tiêu chuẩn năng lượng của những công trình đã đạt tiêu chuẩn đó. Vì vậy, việc tiêu thụ năng lượng ở Đan Mạch đã ổn định từ 30 năm nay trong khi sản phẩm quốc nội tăng gấp đôi. Cũng trong thời gian đó, tiêu thụ năng lượng ở Hoa Kỳ tăng 40%, còn sản phẩm quốc nội tăng gấp 4 lần. Trung bình mỗi người Đan Mạch dùng 6.600 KWh điện/năm, trong khi đó mỗi người Mỹ xài 13.300 KWh! Phí đăng ký một ô tô mới ở Đan Mạch rất cao, chưa kể phí về xăng. Các xí nghiệp phải trả cho mỗi MWh mức giá đắt hơn Hoa Kỳ 43%, hơn Pháp 24% và hơn Anh 19%. Chính sách năng lượng và hệ thống bảo hiểm xã hội tốt có làm chậm lại một chút sự phát triển kinh tế so với Hoa Kỳ, nhưng không ngăn cản Đan mạch trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu của châu Âu.
Từ năm 1973, khi mà các nước Ả Rập tạm thời treo việc cung cấp dầu cho các nước ủng hộ Israel, Đan Mạch đã triệt để tiết kiệm năng lượng. Năm 1976, chính phủ dân chủ xã hội đã đề ra một loạt giải pháp về năng lượng đầy tham vọng bao gồm việc phát triển năng lượng gió, thăm dò dầu và khí ở biển Bắc, đề ra quốc sách tiết kiệm năng lượng.
Ngày nay, Đan Mạch đã độc lập về năng lượng, hơn nữa còn xuất khẩu dầu, khí, điện. Thuế đánh trên việc tiêu thụ dầu khí, điện là một vũ khí hữu hiệu. Thuế đóng chiếm đến 50% giá trị hóa đơn tiền điện, khí gia dụng. Giá xăng đã tăng gấp đôi từ ngày đề ra quốc sách năng lượng.
Giá năng lượng tăng cộng với lương tay nghề cao đã đè nặng lên tính cạnh tranh của nhiều xí nghiệp, đặc biệt về thép và xi măng vốn tiêu thụ nhiều năng lượng. Theo John Tang, Giám đốc năng lượng Nhà máy giấy Dalum Papir, thuế năng lượng có lợi cho đất nước mà không có lợi cho xí nghiệp. Nhiều nhà máy giấy bị đóng cửa trong vòng 15 năm qua, và những nhà máy còn lại phải cải tiến công nghệ để tiêu tốn ít năng lượng hơn”.
Ý thức tiết kiệm năng lượng nói riêng và của cải xã hội nói chung đã thấm sâu vào nếp sống, sự suy nghĩ của từng cá nhân trong cộng đồng. Đó là một bài học cho tất cả các nước đang phát triển, đã nghèo mà ý thức tiết kiệm chưa cao.
Bình luận (0)