Cuộc nghiên cứu Gánh nặng dịch bệnh toàn cầu (GBD) ghi nhận tuổi thọ trung bình của người dân tăng ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, trừ khu vực phía Nam vùng châu Phi hạ Sahara (giảm 5 năm), trong giai đoạn 1990-2013. Đặc biệt, tuổi thọ trung bình của người dân một số nước như Nepal, Rwanda, Ethiopia, Niger, Maldives, Đông Timor, Iran kéo dài thêm 12 năm trong giai đoạn này.
Ông Christopher Murray, giáo sư về y tế toàn cầu tại Trường ĐH Washington (Mỹ) và là người dẫn đầu nghiên cứu nêu trên, nhận định: “Những tiến triển trong cuộc chiến chống lại các căn bệnh và sự chấn thương là rất đáng ghi nhận nhưng chúng ta có thể và phải làm tốt hơn thế”.
Tuổi thọ trung bình của người dân Iran tăng thêm 12 năm trong giai đoạn 1990-2013
Ảnh: Trend
Theo ông Murray, nỗ lực tăng cường hành động và hỗ trợ tài chính cho việc điều trị những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như tiêu chảy, sởi, lao, sốt rét, AIDS… đã giúp giảm tỉ lệ tử vong và kéo dài tuổi thọ. Dù vậy, ông cũng cảnh báo một số bệnh mãn tính phổ biến như xơ gan, đái tháo đường... vẫn chưa được quan tâm đúng mức, đe dọa ngày càng nhiều đến tính mạng con người.
Hãng tin Reuters dẫn nội dung nghiên cứu cho biết những căn bệnh như sốt rét, tiêu chảy và viêm phổi vẫn thuộc 5 nguyên nhân hàng đầu khiến 2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi thiệt mạng mỗi năm. Bên cạnh đó, HIV/AIDS vẫn là nguyên nhân chính gây chết sớm ở người dân 20/48 quốc gia vùng châu Phi hạ Sahara.
Bình luận (0)