Thượng viện do Đảng Dân chủ chiếm đa số đã bỏ phiếu với tỉ lệ 77 phiếu ủng hộ và 19 phiếu chống để bắt đầu tranh luận về biện pháp tài trợ cho chính phủ tiếp tục hoạt động đến ngày 17-11.
Theo hãng tin Reuters, biện pháp tạm thời này bao gồm khoảng 6 tỉ USD ứng phó với thảm họa trong nước và 6 tỉ USD viện trợ ngắn hạn cho Ukraine.
Nhưng dù cho thỏa thuận được Thượng viện thông qua, nó sẽ phải đối mặt những rào cản đáng kể ở Hạ viện vốn do đảng Cộng hòa kiểm soát, nơi các thành viên Cộng hòa cực hữu cam kết sẽ bác bỏ.
Một số thành viên Cộng hòa dọa sẽ loại Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (giữa) khỏi vị trí lãnh đạo nếu ông hợp tác với Đảng Dân chủ thông qua dự luật ngân sách. Ảnh: Reuters
Sự chia rẽ của lưỡng viện Mỹ cho thấy chính phủ liên bang ngày càng có nhiều khả năng sẽ đóng cửa lần thứ 4 trong một thập kỷ, dự kiến vào ngày 1-10.
Lãnh đạo phe thiểu số Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell đã bảo vệ giải pháp ngắn hạn hôm 26-9: "Việc đóng cửa chính phủ vì tranh chấp nội bộ không củng cố được vị thế chính trị của bất kỳ ai. Nó chỉ làm trì hoãn những tiến triển quan trọng và khiến hàng triệu người Mỹ rơi vào tình thế nguy hiểm".
Các thành viên Đảng Cộng hòa, đặc biệt là phe cực hữu, đã phản đối mức chi tiêu của chính phủ hiện tại, kêu gọi cắt giảm mạnh các khoản chi tiêu như viện trợ cho Ukraine.
Nếu biện pháp tạm thời được toàn bộ Thượng viện thông qua trong những ngày tới như dự kiến, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy có thể đưa dự luật này ra thảo luận tại Hạ viện.
Tuy nhiên, một số thành viên Cộng hòa thuộc phe cực hữu đe dọa sẽ loại ông McCarthy khỏi vị trí lãnh đạo nếu ông hợp tác với Đảng Dân chủ thông qua dự luật ngân sách.
Chính phủ Mỹ sẽ đến hạn thông qua dự luật ngân sách vào nửa đêm ngày 30-9 (giờ địa phương). Nếu nỗ lực ngăn chính phủ đóng cửa thất bại, phần lớn chính phủ Mỹ sẽ dừng tất cả chức năng không thiết yếu, khiến các dịch vụ của chính phủ rơi vào tình trạng lấp lửng và hàng triệu nhân viên liên bang không được trả lương.
Kịch bản đó cũng có thể làm giảm xếp hạng tín dụng của Mỹ, từ đó buộc chính phủ phải trả lãi suất cao hơn. Hồi tháng 8, một trong những cơ quan xếp hạng tín dụng lớn của Mỹ, Fitch Ratings, đã hạ bậc xếp hạng tín dụng của Mỹ từ mức cao nhất AAA xuống AA+, với lý do các tiêu chuẩn quản trị ngày càng suy giảm.
Các nhà phân tích của Tổ chức tín dụng Moody’s cũng đưa ra cảnh báo đầu tuần này rằng họ sẽ có động thái tương tự nếu bế tắc ngân sách không được giải quyết.
Bình luận (0)