Nổi bật trong số này là lập trường của ông Trump về nước Nga và đánh giá của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), theo đó Moscow can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ để giúp tỉ phú bất động sản này chiến thắng.
Tranh cãi chắc chắn gia tăng sau khi ông Trump quyết định bổ nhiệm Giám đốc điều hành Tập đoàn Exxon Mobil - Rex Tillerson - làm ngoại trưởng, bỏ ngoài tai những tiếng nói lo ngại về mối quan hệ gần gũi giữa doanh nhân này và Nga. Tờ The Washington Post dẫn lời các cố vấn của GOP cảnh báo ngày càng có nhiều thượng nghị sĩ đảng này có thể không ủng hộ ông Tillerson làm ngoại trưởng. Chưa gì mà thượng nghị sĩ Marco Rubio đã viết trên Twitter rằng việc là bạn của Tổng thống Nga Vladimir Putin không phải là điều ông tìm kiếm ở một ngoại trưởng.
Sự bổ nhiệm trên có thể được xem là hành động “khiêu khích” bởi các thượng nghị sĩ hàng đầu GOP đang phản ứng mạnh chuyện ông Trump bác bỏ đánh giá trên của CIA, cũng như cáo buộc tin tặc Nga dính đến vụ tấn công các mục tiêu chính trị của Mỹ. Mới nhất, ông Mitch McConnell, thủ lĩnh phe đa số của Đảng Cộng hòa ở Thượng viện, hôm 12-12 cho biết Ủy ban Tình báo Thượng viện sẽ tìm hiểu kết quả điều tra của CIA sau khi bình luận “người Nga không phải bạn chúng ta”.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan ca ngợi nỗ lực của các cơ quan tình báo trong việc đối phó các mối đe dọa trên không gian ảo đến từ các chính phủ nước ngoài. Trước đó một ngày, một tuyên bố chung của 4 thượng nghị sĩ 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ, trong đó có Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện John McCain, khẳng định thượng viện sẽ điều tra cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Ông Rex Tillerson. Ảnh: Reuters
Chưa hết, một nhóm 10 đại cử tri hôm 12-12 yêu cầu cộng đồng tình báo cung cấp thông tin về vấn đề này trước khi đại cử tri đoàn nhóm họp để chính thức bỏ phiếu bầu chọn tổng thống, phó tổng thống 1 tuần sau đó. Cũng như mọi khi, Nga hôm 12-12 tiếp tục bác bỏ cáo buộc. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh đánh giá của CIA không dựa trên các thông tin xác thực và đáng tin cậy.
Cơn đau đầu mà ông Trump gây ra cho GOP không dừng lại ở đó. Theo tờ The Washington Post, một số nghị sĩ đảng lo ngại khi thấy ông Trump đe dọa đánh thuế mạnh những công ty nào đưa công việc ra nước ngoài. Họ cũng cảnh báo về nguy cơ xung đột lợi ích nếu ông Trump không từ bỏ kinh doanh trước khi vào Nhà Trắng vào tháng tới. Để trấn an dư luận, tỉ phú này hôm 12-12 hé lộ trên Twitter rằng ông sẽ giao chuyện làm ăn lại cho 2 con trai (Don và Eric) trước ngày nhậm chức (20-1-2017), cũng như hứa hẹn đế chế kinh doanh của mình sẽ “không ký thỏa thuận mới” nào trong thời gian ông tại vị.
Cùng ngày, trang Bloomberg tiết lộ ông Trump đã hủy cuộc họp báo công bố kế hoạch rút khỏi thương trường để tập trung cho chính trường. Cuộc họp báo ban đầu dự kiến diễn ra ngày 15-12 nhưng một số nguồn tin nói thông báo chính thức sẽ được đưa ra vào tháng tới.
Dĩ nhiên, những thông tin mập mờ, ít ỏi nói trên không đủ xoa dịu phe chỉ trích. Ông Richard W Painter, từng là luật sư cố vấn về vấn đề đạo đức cho Nhà Trắng dưới thời Tổng thống George W. Bush, cho rằng lời hứa “không ký thỏa thuận kinh doanh mới” là vô nghĩa. “Liệu ông ta (Trump) có tiếp tục mượn tiền từ những ngân hàng nước ngoài, như Ngân hàng Trung Quốc hay không? Nếu có, đó là một thỏa thuận” - ông Painter thắc mắc với tờ The New York Times.
Bình luận (0)