Hạ viện Mỹ do Đảng Dân chủ kiểm soát trong ngày 13-1 (giờ địa phương) tiến hành bỏ phiếu về điều khoản luận tội Tổng thống Donald Trump, người bị cáo buộc "kích động nổi dậy" sau vụ bạo loạn ở Điện Capitol (tòa nhà Quốc hội) vào tuần rồi.
Việc thông qua điều khoản luận tội ông chủ Nhà Trắng càng được bảo đảm sau khi ít nhất 5 hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa ủng hộ động thái này trước thềm cuộc bỏ phiếu. Đây là bước đi khó tránh sau khi Phó Tổng thống Mike Pence từ chối kích hoạt Tu chính án 25 nhằm phế truất ông Trump theo lời kêu gọi của Hạ viện. Bất chấp sự khước từ này, nghị quyết kêu gọi ông Pence hành động vẫn được thông qua tại Hạ viện trong cuộc bỏ phiếu mang tính biểu tượng với 223 phiếu thuận, 205 phiếu chống.
Nếu không có thay đổi gì vào giờ chót, ông Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên bị luận tội 2 lần. Một diễn biến như thế sẽ dẫn đến phiên tòa luận tội ông tại Thượng viện dù chưa rõ liệu có đủ thời gian hoặc mong muốn chính trị để bãi nhiệm nhà lãnh đạo này hay không. Không ít nghị sĩ Đảng Cộng hòa phản đối luận tội ông Trump lần này vì cho rằng Đảng Dân chủ đã đi quá xa, nhất là khi nhà lãnh đạo này chỉ còn vài ngày ở lại Nhà Trắng.
An ninh được thắt chặt bên trong tòa nhà Quốc hội Mỹ sau vụ bạo loạn khiến Tổng thống Donald Trump đối mặt chỉ trích Ảnh: Reuters
Trong trường hợp phiên tòa luận tội diễn ra, sẽ cần ít nhất 2/3 thượng nghị sĩ nhất trí kết tội và phế truất ông Trump. Sau cuộc đua vào Thượng viện ở bang Georgia, số ghế tại cơ quan 100 thành viên này được chia đều cho 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ. Vì thế, theo Reuters, việc kết tội ông Trump đòi hỏi toàn bộ 50 thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ và ít nhất 17 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ.
Dù vậy, hiện chỉ mới có ít nhất 2 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa công khai nói ông Trump không nên làm hết nhiệm kỳ. Đáng chú ý, báo The New York Times đưa tin ông Mitch McConnell, lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Thượng viện, được cho là hài lòng với nỗ lực luận tội ông Trump của Đảng Dân chủ. Thượng nghị sĩ McConnell tin rằng điều này sẽ giúp việc loại bỏ ông Trump và ảnh hưởng của ông khỏi Đảng Cộng hòa trở nên dễ dàng hơn. Dù vậy, theo kênh Fox News, hiện chưa rõ ông McConnell sẽ bỏ phiếu như thế nào trong phiên tòa luận tội nếu nó diễn ra.
Trước mắt, thời điểm tiến hành phiên tòa luận tội đang là thách thức không nhỏ. Ông McConnell khẳng định phiên tòa này chỉ có thể bắt đầu sau khi Thượng viện quay lại làm việc vào ngày 19-1, tức chỉ một ngày trước khi ông Joe Biden dự kiến tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Đã xuất hiện nỗi lo Thượng viện có thể bận rộn với chuyện xét xử ông Trump trong những tuần đầu tiên sau khi ông Biden lên nắm quyền, thay vì tập trung bỏ phiếu về những đề cử nội các và những ưu tiên chính sách của chính phủ mới, như ứng phó dịch Covid-19. Tuy nhiên, ông Chuck Schumer, lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Thượng viện, cho biết Thượng viện có thể được triệu tập để xử lý vấn đề này sớm hơn.
Đảng Dân chủ sẽ nắm thế đa số tại Thượng viện sau khi Phó Tổng thống Kamala Harris tuyên thệ nhậm chức và trở thành chủ tịch Thượng viện. Khi đó, theo Reuters, đảng này còn có thể sử dụng phiên tòa luận tội để thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu nhằm ngăn ông Trump ra tranh cử trở lại. Cuộc bỏ phiếu về vấn đề này sẽ chỉ đòi hỏi đa số phiếu nhất trí ở Thượng viện là đủ. Dù vậy, các chuyên gia pháp lý vẫn còn tranh cãi về việc có cần phải kết tội ông Trump trước khi tiến hành bỏ phiếu hay không. Ngoài ra, Đảng Dân chủ còn có thể sử dụng Tu chính án 14 để ngăn ông Trump ra tái tranh cử bằng một cuộc bỏ phiếu với đa số nghị sĩ ủng hộ tại lưỡng viện Quốc hội.
Di sản cụ thể nhất
Trong chuyến thăm bức tường biên giới Mỹ - Mexico ở bang Texas vào ngày 12-1, Tổng thống Donald Trump cảnh báo nỗ lực luận tội ông của Đảng Dân chủ có thể gây ra thêm bạo lực. Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh nỗ lực này đang gây ra "nỗi đau, sự phẫn nộ và chia rẽ lớn hơn nhiều" so với những gì mà phần lớn người dân có thể hiểu. Điều này, theo ông Trump, là rất nguy hiểm đối với Mỹ, đặc biệt là trong một thời điểm nhạy cảm như hiện tại. Chưa hết, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định việc kích hoạt Tu chính án 25 nhằm bãi nhiệm ông, nếu có, sẽ không gây ra bất cứ rủi ro nào đối với mình.
Theo Reuters, Tổng thống Donald Trump thăm bức tường biên giới ngay trước khi nhiệm kỳ kết thúc để hướng sự chú ý của người dân đến điều được ông xem là một trong những thành tựu lớn nhất của mình. Phát ngôn viên Nhà Trắng Judd Deere cho biết chuyến thăm đánh dấu việc "hoàn thành hơn 400 dặm (644 km) của bức tường biên giới" đúng với những gì đã cam kết. Bức tường được xem là một trong những di sản cụ thể nhất trong 4 năm cầm quyền và nỗ lực cải cách hệ thống nhập cư của Tổng thống Donald Trump.
Xuyên suốt chiến dịch tranh cử tổng thống hồi năm 2016, ông Trump cam kết xây bức tường ở biên giới với Mexico với chiều dài hơn 1.600 km để ngăn người nhập cư trái phép. Tuy nhiên, tham vọng này nhiều khả năng không thành hiện thực bởi Tổng thống đắc cử Joe Biden từng tuyên bố rằng chính quyền của ông sẽ không xây tiếp bức tường mà sẽ tập trung ứng dụng công nghệ để bảo vệ biên giới.
Cao Lực
Bình luận (0)