Ông Amin Nasser, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dầu khí Saudi Aramco, hôm 10-3 cho biết sẽ tăng mức cung ứng lên 12,3 triệu thùng/ngày trong tháng tới, cao hơn 300.000 thùng/ngày so với sản lượng khai thác tối đa của họ. Điều này đồng nghĩa công ty có thể lấy thêm nguồn cung từ kho dự trữ của mình.
Không chịu thua kém, Nga cho biết các công ty dầu nước này có thể tăng sản lượng khai thác lên thêm 300.000-500.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak hôm 10-3 cho biết Moscow sẵn sàng bàn những biện pháp mới với Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Bộ Năng lượng Nga cũng kêu gọi một cuộc họp với các công ty dầu trong nước ngày 11-3 để bàn chuyện hợp tác với OPEC trong thời gian tới.
Ngành công nghiệp dầu đá phiến ở Mỹ đối mặt nhiều thách thức từ việc giá dầu lao dốc Ảnh: REUTERS
Riyadh có bước đi chưa từng có nói trên sau khi liên minh không chính thức giữa OPEC và các nhà sản xuất bên ngoài do Nga đứng đầu không tìm được tiếng nói chung tại cuộc họp vào cuối tuần rồi. Khi đó, Moscow đã bác bỏ lời kêu gọi của OPEC về việc cắt giảm sản lượng hơn nữa trong bối cảnh nhu cầu dầu toàn cầu chịu tác động của dịch bệnh Covid-19.
Bất đồng giữa Ả Rập Saudi và Nga đã khiến giá dầu thô giảm đến 25% hôm 9-3 trước khi hồi phục đôi chút trong 2 ngày sau đó (có lúc đạt gần 39 USD/thùng). Nếu không ai chịu nhượng bộ trong thời gian tới, cuộc chiến giá dầu chắc chắn sẽ khiến cả Ả Rập Saudi và Nga "đau đớn". Riyadh cần giá dầu ở mức 80 USD/thùng để cân bằng ngân sách trong khi con số này đối với Nga là 42 USD/thùng.
Tuy nhiên, chính ngành công nghiệp dầu đá phiến ở Mỹ mới đang đối mặt thách thức lớn nhất bởi sự phụ thuộc vào giá cao để tồn tại. Trước mắt, một số công ty dầu đá phiến Mỹ hôm 10-3 cho biết sẽ cắt giảm chi tiêu và cổ tức. Theo đài CNN, đây cũng là điều Nga mong muốn bởi nước này đang lo ngại về sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ.
Trang Marketwatch dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng Moscow xem việc liên tục cắt giảm sản lượng của OPEC đang giúp các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ gia tăng thị phần. Vì thế, lý do Nga nói không với đề nghị mới của OPEC là muốn giành lại thị phần đã mất bằng cách để giá dầu lao dốc.
Bình luận (0)