Cựu đại tá quân báo Nga Sergei Skripal và con gái Julia Skripal bị phát hiện nằm bất tỉnh trên băng ghế trong khuôn viên Trung tâm Thương mại Maltings ở TP Salisbury, hạt Wiltshire - Anh khoảng 16 giờ ngày 4-3. Trước đó, họ ăn trưa ở nhà hàng Ý Zizi chuyên bán các loại pizza. Tiệm ăn này tạm thời bị đóng cửa để phục vụ điều tra. Lúc 15 giờ 47 phút, camera an ninh đặt gần đó còn ghi nhận 2 người bách bộ trong trung tâm.
Cảnh sát điều tra Anh dẫn lời bác sĩ nơi cấp cứu cha con ông Skripal kết luận họ bị tấn công bằng chất độc thần kinh Novichok. Chất này độc đến nỗi 10 người trong đội cấp cứu tại hiện trường cũng cảm thấy khó ở và phải nhập viện, trong đó một người nhiễm khá nặng phải lưu lại bệnh viện mấy ngày.
Phản quốc
Kỹ sư công binh Skripal phục vụ Cơ quan Tình báo Quân đội Liên Xô (GRU) xấp xỉ 10 năm, trong đó nhiều năm công tác ở Malta và Tây Ban Nha (TBN) với tư cách tùy viên quân sự Đại sứ quán Liên Xô (sau đó là Nga). Tại Madrid, Skripal là đích nhắm của Cục Tình báo TBN nhưng Cục Phản gián Anh (MI6) đã hớt tay trên.
Năm ngày trước khi bị trúng độc, Skripal đi mua sữa và được camera an ninh của tiệm ghi hình Ảnh: CCTV
Tháng 7-1995, Pablo Miller, người của MI6 đội lốt đối tác thương mại TBN Antonio de Hidalgo, đã thành công trong việc thuyết phục Skripal cung cấp bí mật quân sự và tình báo Liên Xô cho cục, theo nhật báo Anh The Times.
Nhật báo Anh The Telegraph cho biết Skripal - bí danh "Forthwith" - thường mang túi xách hiệu Louis Vuitton của Pháp mỗi lần chuyển thông tin cho MI6 vào một hòn đá giả đặt trong một công viên ở Moscow - Nga. Tuy nhiên, các cuộc tiếp xúc với MI6 diễn ra phần lớn ở TBN, nơi Skripal đi về như cơm bữa.
Sau khi mắc bệnh đái tháo đường, Skripal trở về Nga và được bổ nhiệm làm Giám đốc nhân sự GRU cho đến lúc về hưu năm 2000 (49 tuổi). Sau đó, nhờ quen biết, ông ta tiếp tục làm việc cho một cơ quan tỉnh gần Moscow. Thời gian này, Skripal vẫn quan hệ với đồng nghiệp ở GRU và cung cấp thông tin mật cho MI6 qua những cuộc hẹn ở một số thành phố châu Âu nhưng chủ yếu tại TBN, nơi ông ta sở hữu một căn nhà riêng.
Để giúp Skripal có cớ lui tới TBN thường xuyên, MI6 mua cho ông ta một căn nhà gần TP Malaga, thuộc tỉnh cùng tên nằm ở bờ biển phía Nam nước này. Mỗi lần đi "thăm nhà", Skripal lưu lại 3 ngày, gặp Miller 3-4 giờ. Sau mỗi lần làm việc, Skripal được bồi dưỡng 5.000-6.000 USD. Số tiền này được ông ta gửi vào ngân hàng TBN.
Theo các nguồn tin tình báo Anh, ban đầu, Skripal "bán mình" vì tiền. Ví dụ, có lần, ông ta yêu cầu gặp Pablo gấp để trao tài liệu tuyệt mật với giá 10.000 USD. Về sau, Skripal quan tâm hơn đến việc xin tị nạn ở Anh, nơi có nhiều cựu điệp viên Liên Xô sinh sống. Tuy nhiên, MI6 không vội đưa Skripal đến Anh chừng nào ông ta còn có ích khi ở lại Nga.
Tưởng cũng nên biết sau khi Liên Xô sụp đổ, chính quyền Nga thời Tổng thống Boris Yeltsin kiệt quệ về tài chính, điệp viên ở nước ngoài không được trả lương suốt thời gian dài. Chính lúc này, MI6 ra tay chiêu mộ điệp viên Nga, trong đó có Skripal, người được đánh giá có giá trị cao và họ đã không lầm. Theo The Times, Skripal là một trong những điệp viên "năng suất cao" nhất thời hậu chiến tranh lạnh. Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến ông ta và con gái bị truy sát đến cùng.
Cũng theo The Times, Skripal không "bán đứng" hết điệp viên Nga nằm vùng ở phương Tây mà chủ yếu cung cấp thông tin về cơ cấu và nhân sự của GRU, kể cả cuốn danh bạ điện thoại tuyệt mật của cơ quan tình báo này. MI6 đã chia sẻ kho thông tin này với Cục An ninh nội địa Anh (MI5) và một số cơ quan tình báo có chọn lọc như Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Theo cáo buộc của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB), Skripal đã làm lộ hơn 300 điệp viên Nga hoạt động ở nước ngoài.
Lộ tẩy
Trong Cục Tình báo TBN, một người biết được Skripal làm việc cho MI6 và đã tiết lộ với Moscow. MI6 chỉ biết việc này sau khi "Forthwith" lỗi hẹn ở TBN.
Hậu quả là tháng 12-2004, Skripal bị FSB bắt ngay trước cửa nhà ông ta ở TP Moscow sau khi vừa đi Anh về. Hoàn toàn bị bất ngờ, Skripal chỉ nói với người bắt mình một câu: "Mấy anh giỏi hơn tôi nghĩ".
Skripal bị xử kín tại Tòa án Quân sự vùng Moscow vào tháng 8-2006 về tội phản quốc. Theo cáo trạng, ông ta đã nhận tổng cộng 100.000 USD của MI6 trong hơn 10 năm. Hội đồng xét xử đã so sánh trường hợp của Skripal giống hệt một điệp viên phản quốc khác: đại tá Oleg Penkovsky, bán mình cho CIA khi nổ ra khủng hoảng tên lửa ở Cuba. Penkovsky đã bị tử hình ngay sau đó.
Skripal đã nhận tội. Nhờ hợp tác tốt với cơ quan điều tra, ông ta được tòa tuyên phạt 13 năm tù thay vì 20 năm theo Luật Hình sự Nga.
May mắn hơn, ở tù 4 năm, Skripal được Tổng thống Nga khi ấy là ông Dmitry Medvedev ân xá. Tháng 7-2010, Anh và Nga thỏa thuận đổi 10 điệp viên Nga nằm vùng bị lộ ở Mỹ lấy 4 người Nga làm gián điệp cho Mỹ, Anh. Cuộc trao đổi diễn ra ở Áo. Skripal và một người Nga làm gián điệp cho Mỹ được đưa về Anh, 2 người còn lại sang Mỹ.
Theo The Guardian, năm 2011, Skripal mua một căn nhà ở TP Salisbury với giá 260.000 bảng Anh. Ông ta không hoàn toàn sống ẩn dật để che giấu thân phận. Skripal thường mời bạn bè đến nhà tiệc tùng để đỡ nhớ quê hương. Hàng xóm đều biết người Anh gốc Nga này rất mê vé số cào. Nguồn tin tình báo nói ông ta vẫn tiếp tục cộng tác với cơ quan tình báo Anh, Mỹ và kinh doanh ngầm.
Vợ, con, anh trai chết bí ẩn
Tám năm sống tha hương, gia đình Skripal trải qua nhiều biến cố tang thương. Năm 2012, vợ ông ta, bà Liudmila, qua đời vì ung thư nội mạc tử cung. Cách đây 2 năm, anh ruột Skripal ở Nga chết một cách bí ẩn. Tháng 3-2017, Alexander - con trai lớn của Skripal - dẫn người yêu đi du lịch ở St. Petersburg và bất ngờ qua đời tại bệnh viện nghi do bệnh gan.
Theo nhận định của gia đình Skripal, những cái chết này đều đáng ngờ. Vợ và con trai Skripal được chôn ở Salisbury. Nơi này đã bị niêm phong để phục vụ điều tra vì có tin trước khi trúng độc, Skripal và con gái Julia đã đến viếng mộ 2 người thân.
Kỳ tới: Nghi vấn từ nội bộ
Bình luận (0)