Tên gọi này được cho là liên quan đến niềm tin phổ biến rằng cá voi xanh tự trôi vào bờ để chết.
Với trò “Cá voi xanh”, theo báo KP, mỗi người chơi có một danh sách riêng gồm 50 nhiệm vụ cho 50 ngày. Ban đầu chỉ là những chuyện có vẻ vô hại như xem phim kinh dị cả ngày, thức dậy lúc 4 giờ 20 phút... Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm ngày càng tăng, chẳng hạn các mệnh lệnh “Hy sinh bàn tay” (dùng dao rạch vào tay tên gọi của nhóm như F57, F58 hoặc vẽ hình con cá voi), “Cắt lưỡi”, “Ngày 26: Định ngày chết”, “Ngày 28: Đừng nói chuyện với ai”... Đến ngày thứ 50, nhiệm vụ cuối cùng của mọi người đều như nhau - đó là kết liễu cuộc đời, ví dụ “Nhảy từ mái nhà xuống” hoặc “Treo cổ”!
Báo The Sun (Anh) đưa tin vào cuối tháng 2-2017, 2 nữ sinh Yulia Konstantinova, 15 tuổi và Veronika Volkova, 16 tuổi, đã nhảy từ tầng thượng của tòa chung cư 14 tầng xuống đất ở Siberia. Trước đó, một cô bé 15 tuổi ở TP Krasnoyarsk - Siberia nhảy từ tầng 5 xuống trong khi một nữ sinh 14 tuổi ở Chita nhảy xuống từ một đoàn tàu hỏa.
Nữ sinh Yulia Konstantinova. Ảnh: The Siberian Times
Điều tra của báo Novaya Gazeta thống kê từ tháng 11-2015 đến tháng 4-2016, có 130 thiếu niên tự tử. Tất cả đều tham gia trò chơi “Cá voi xanh”. Đáng ngại là số trẻ em tự tử tiếp tục gia tăng và các cộng đồng “cá voi xanh” đang phát triển trên cả mạng xã hội Instagram. “Những kẻ đứng sau chắc chắn là người trưởng thành, biết rõ thói quen, sở thích, ngôn ngữ và lối sống của giới trẻ. Họ cũng rành tâm lý, biết cách làm các em gái tin rằng mình “béo”, khiến các em trai nghĩ là mình “thất bại” - tờ báo viết.
Trước tình hình đó, các chuyên gia về sức khỏe tâm thần và các nhà hoạt động xã hội kêu gọi chính giới Nga vào cuộc điều tra nguyên nhân giới trẻ bị thu hút vào trò chơi khủng khiếp này. Ông Alexander Lastovsky, người phát ngôn Sở Cảnh sát Minsk - Belarus, cho biết khi phân tích các vụ thiếu niên tự tử, các nhà chuyên môn ở Nga đi đến kết luận 100% trẻ tham gia trò “Cá voi xanh” đều trong tình trạng trầm cảm. Trong khi đó, theo báo Pravda, nhà hoạt động nhân quyền Tatyana Potyaeva ở Moscow cho rằng cần phải thành lập các cơ quan chuyên theo dõi và ngăn chặn các website kêu gọi tự tử, còn những người lập ra các website này phải chịu trách nhiệm hình sự.
Theo cổng thông tin Newsyou.info, trò chơi “Cá voi xanh” đã vượt ra ngoài lãnh thổ Nga. Báo chí ngày 8-3 vừa qua đưa tin về vụ tự tử ở độ tuổi thiếu niên liên quan đến trò “Cá voi xanh” ở Latvia. Ngoài ra, trang Kompromat.lv tường thuật vụ bé gái lớp 5 ở Riga - có nhiều vết cắt trên người - đã được đưa đến bệnh viện sau khi nhảy ra khỏi cửa sổ tầng 4. Trang tin Tut.by xác nhận “Cá voi xanh” đã du nhập Ukraine và Belarus hồi đầu năm 2017. Ở Kharkov - Ukraine, gần 4 giờ ngày 6-3, cảnh sát đã đưa bé gái 13 tuổi một mình trên đường phố với nhiều vết dao cắt trên bàn tay đi cấp cứu.
Cảnh sát Belarus khuyến cáo các bậc cha mẹ kiểm tra các trang mạng mà con cái truy cập, đồng thời cho biết sẽ lập danh sách những em từng tham gia nhóm “thần chết”. Ngoài ra, theo trang Devon Live, cảnh sát Bỉ, Đức và Anh đã chính thức cảnh báo sau khi xảy ra 3 vụ tương tự ở Bỉ.
Bình luận (0)