Năm 1991, ông Đặng Tiểu Bình có lần nói về đạo dưỡng sinh của mình: “Tư duy của tôi nay vẫn chưa lão hóa, đó là nhờ vào quá trình vận động hằng ngày, như đi bộ, đánh quyền, bơi lội; đối với mọi vấn đề, sự vật đều dùng tinh thần khách quan đối đãi; sinh hoạt bình thường, thu xếp hợp lý, đọc sách, xem báo, đánh cờ, xem đá bóng, đùa với trẻ con”.
Ông đúc kết yếu quyết dưỡng sinh trường thọ trong 20 chữ: “Lạc quan yêu đời, động não không ngừng, kiên trì tập luyện, ăn uống hợp lý, gia đình hài hòa”.
Lạc quan yêu đời
Ngày 11-10-1984, ông Đặng Tiểu Bình được 80 tuổi. Khi Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức hỏi về “bí quyết trường thọ”, ông vui vẻ trả lời: “Tôi xưa nay luôn giữ tinh thần lạc quan, dù trời có sập xuống tôi cũng không sợ vì có những người cao đỡ rồi” (ông vốn thấp người).
Mọi người đều biết cuộc đời của ông ba chìm bảy nổi, điên đảo thất thường, trong gia đình cũng gặp không ít điều bất hạnh, nhưng ông trước sau vẫn giữ tinh thần lạc quan, dù trong nghịch cảnh vẫn không “oán trời trách người”.
Động não không ngừng
Phóng viên Đài Truyền hình Mỹ hỏi mỗi ngày làm việc mất bao nhiêu thời gian, ông trả lời: “Hai giờ. Phương pháp làm việc của tôi là giảm thiểu tối đa công việc. Thời gian còn lại để dành cho việc đọc sách, vận động và nghỉ ngơi hoặc cùng trẻ con vui đùa”.
Năng lực xử lý công việc của ông rất cao, thông thường buổi sáng khoảng 10 giờ là đã xử lý xong các việc trọng yếu. Sau đó nếu không có hội nghị hay hoạt động bên ngoài thì ngồi đọc sách báo, thỉnh thoảng đánh bài để hoạt động não lực.
Kiên trì luyện tập
Từ tuổi thanh thiếu niên, Đặng Tiểu Bình đã luyện thành thói quen rèn luyện thể lực. Tuy công việc rất nhiều, nhưng hễ rảnh là ông tận dụng thời gian rèn luyện, chủ yếu là bơi lội, đi bộ, leo núi, tắm nước lạnh, đá bóng.
Lúc hơn 80 tuổi, ông vẫn còn bơi ngoài biển hơn một giờ, có lúc gặp sóng to vẫn mạnh mẽ tiến tới. “Bao năm rồi tôi chưa một lần bị cảm, đó là nhờ mỗi buổi sáng tôi đều tắm nước lạnh” - ông Đặng Tiểu Bình nói lúc tiếp kiến thủ tướng New Zealand. Ông cũng thường xuyên đi dạo quanh sân theo cách như đang làm việc: cẩn thận, không lười biếng, không cần nhanh.
Ăn uống hợp lý
Đặng Tiểu Bình ăn uống rất đúng giờ giấc. Ăn sáng: 8 giờ 30; ăn trưa: 12 giờ; ăn tối: 18 giờ 30. Thời khóa biểu này suốt mấy chục năm không đổi. Buổi sáng ông thường ăn trứng gà, bánh bao, cháo; chiều và tối ăn cơm với 2 món mặn, rau, một món canh.
Ông cũng thích uống trà xanh đậm, thường hay uống rượu gạo, nhưng trước khi uống thường ăn chút gì để niêm mạc dạ dày không bị kích thích. Ông Đặng Tiểu Bình vốn nghiện thuốc lá nặng. Nhân viên y tế kiến nghị mãi, đến năm 1989 (85 tuổi) ông mới hoàn toàn cai thuốc.
Gia đình hài hòa
Ông Đặng tiểu Bình và phu nhân Trác Lâm làm bạn với nhau qua 58 năm đầy sóng gió, thương yêu, tôn trọng nhau cho đến bạc đầu. Ông vốn coi trọng “thiên luân chi lạc”- niềm vui nơi luân thường, thích vui sống với người trong nhà, thường chơi đùa vui vẻ với con cháu dù trong nghịch cảnh hay thuận cảnh. Sự êm ấm gia đình là một nhân tố giúp cho ông ung dung đối phó với những bất lợi trong cuộc đời làm chính trị.
Trong dưỡng sinh học truyền thống của Trung Hoa có bốn loại dưỡng sinh lớn: dưỡng sinh tinh thần, dưỡng sinh ẩm thực, dưỡng sinh vận động và dưỡng sinh dược liệu, trong đó 3 phương pháp đầu đã được ông áp dụng một cách khoa học vào cuộc sống hằng ngày.
Ba lần vào ra Trung Nam Hải, có thể nói là “lên voi xuống chó”, nhưng lúc nào ông cũng giữ thái độ bình thản đón nhận. Dưỡng sinh học truyền thống cho rằng tinh thần hoạt bát, tính cách thoải mái thì tự nhiên âm dương điều hòa, khí huyết lưu thông, lục phủ ngũ tạng phối nhau giúp cho khỏe mạnh trường thọ.
Nghiên cứu y học về lão khoa ở Trung Quốc cho thấy, đại đa số những người trường thọ đều ở trong gia đình có cuộc sống hạnh phúc, hài hòa, bản thân cởi mở, thường xuyên động não, ăn uống và sinh hoạt hợp lý. Cựu tổng bí thư Đặng Tiểu Bình là một minh chứng.
Ba chìm bảy nổi Ông Đặng Tiểu Bình tên thật là Đặng Tiên Thánh, tự là Hy Hiền, sinh ngày 22-8-1904 tại Bài Phương, Hiệp Hưng, Quảng An, tỉnh Tứ Xuyên. Năm 1920, ông sang Pháp vừa học vừa làm và gia nhập Đảng Cộng sản thiếu niên Trung Quốc ở châu Âu. Năm 1926, ông sang Moscow học Đại học Tôn Trung Sơn. Sau đó ông về nước làm việc trong Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Năm 1929, ông phát động cuộc khởi nghĩa Bách Sắc ở Quảng Tây, xây dựng Quân đoàn 7 Hồng quân Trung Hoa. Năm 1949, nước CHND Trung Hoa mới thành lập, ông đảm nhận chức vụ phó thủ tướng Quốc vụ viện, bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc. Đến thời kỳ “Đại cách mạng văn hóa”, năm 1967, ông bị nhóm “tứ nhân bang” phê phán là “kẻ phản động đi theo con đường tư bản” và bị bãi miễn mọi chức vụ, nhưng được bảo lưu đảng tịch. Ngày 13-5-1967, em trai ông là Đặng Thục Bình vì tuyệt vọng mà tự sát. Đến tháng 7, cả nhà ông phải dời ra khỏi Trung Nam Hải. Tháng 9-1968, con trai trưởng của ông là Đặng Phác Phương đang học khoa vật lý Đại học Bắc Kinh, bị đấu tố, nhảy từ lầu 4 xuống, không chết nhưng bị co rút cột sống và bị liệt từ hông trở xuống. Tháng 10-1969, ông bị giam tại một trường bộ binh ở Nam Xương, tỉnh Quảng Tây. Mùa hè năm 1970, vợ ông bị đưa đi làm công nhân hốt rác. Đến năm 1973, được thủ tướng Chu Ân Lai ủng hộ, ông được khôi phục chức phó thủ tướng. Cuối năm 1975, ông chủ trì việc chỉnh đốn, mạnh mẽ chỉ trích hàng loạt sai lầm trong “Đại cách mạng văn hóa” nên bị phê phán trong cuộc vận động “Phê Đặng, phản kích hữu khuynh”. Đến tháng 4-1976, ông lại bị chụp mũ là kẻ giật dây trong “sự kiện Thiên An Môn”. Tháng 10-1976, nhóm “tứ nhân bang” bị lật đổ, cho dù trong và ngoài đảng có nhiều đề nghị nhưng con đường phục chức của ông vẫn gặp trở lực nặng nề. Hoa Quốc Phong cùng một số người khác lấy lý do “Phê Đặng” là quyết sách của Mao Trạch Đông nên không cho Đặng Tiểu Bình ra làm việc. Tháng 7-1977, tại hội nghị lần 3 Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa X, ông được khôi phục các chức vụ và từ đây bắt đầu thi triển tài ba của mình. Tại đại hội, ông Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh rằng trọng tâm của Đảng là xây dựng xã hội chủ nghĩa và thực hiện chiến lược cải cách mở cửa. |
Bình luận (0)