Một công trình nghiên cứu mới do các nhà khoa học Úc và Anh tiến hành cho thấy hòn đảo nhỏ bé này có mật độ rác thải cao nhất thế giới, trong đó 99,8% là chất dẻo gây ô nhiễm.
Ngoài các vật dụng đánh cá, Henderson chìm ngập trong các loại rác như bàn chải đánh răng, hộp quẹt, dao cạo râu...
Chuyên gia Jennifer Lavers (phải) tại một bờ biển đầy rác thải trên đảo Henderson Ảnh: HERALD SUN
"Chúng tôi nhận thấy trên đảo Henderson có nhiều thứ không phải là vật dụng sử dụng một lần" - chuyên gia Jennifer Lavers, Trường ĐH Tasmania (Úc), nhận định, đồng thời nhấn mạnh phát hiện này chứng tỏ chẳng còn nơi nào trên thế giới thoát khỏi tình trạng ô nhiễm chất dẻo. Qua đó, theo đài BBC, các nhà nghiên cứu bày tỏ hy vọng con người sẽ "suy nghĩ lại về mối quan hệ của họ với chất dẻo".
Trên đảo Henderson có gần 38 triệu mẩu rác chất dẻo nặng tổng cộng 17,6 tấn. Ước tính, mỗi mét vuông đảo có 671 mẩu rác.
Chưa hết, theo báo The Guardian (Anh), khoảng 13.000 mẩu rác mới trôi dạt đến đảo mỗi ngày. Có diện tích lớn nhất trong số 4 hòn đảo thuộc nhóm đảo Pitcairn, Henderson là một địa chỉ nằm trong danh sách các di sản thế giới của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO). Đây cũng là một trong số ít đảo san hô vòng trên thế giới có hệ sinh thái không bị con người đụng đến.
Chuyên gia Lavers thừa nhận bà đã sai khi nhận định một nơi xa xôi như đảo Henderson sẽ ít nhiều được bảo vệ trước tình trạng ô nhiễm. Bà Lavers đã phát hiện hàng trăm con cua sống trong rác thải như vỏ chai nước, chai mỹ phẩm, thậm chí cả trong đầu búp bê. Theo bà, điều đó không có lợi cho các sinh vật bởi chúng là thứ chất dẻo đã cũ nên dễ vỡ, sắc nhọn và độc hại.
Tính đa dạng sinh học ở Thái Bình Dương đang bị đe dọa bởi rác thải chất dẻo khi đại dương này phải chứa đến hàng triệu tấn rác loại này mỗi năm.
Hồi tháng 2 năm nay, các nhà khoa học đã cảnh báo về mức độ ô nhiễm độc hại bất thường ở Rãnh Mariana, nơi sâu nhất thế giới, tại Tây Thái Bình Dương. Khu vực được xem là một trong những nơi xa xôi và khó tiếp cận nhất hành tinh này cũng bị nhiễm các hóa chất công nghiệp từ rác thải chất dẻo.
Tại hội nghị về các đại dương trên thế giới hồi đầu tháng 3-2017, Indonesia đã hứa chi 1 tỉ USD/năm nhằm giảm bớt rác thải chất dẻo và các loại rác khác gây ô nhiễm vùng biển nước này, đồng thời đặt mục tiêu giảm 70% rác thải ra biển trong vòng 8 năm. Về vấn đề này, nữ chuyên gia Lavers cho rằng các cá nhân và chính phủ đều có trách nhiệm trong việc làm giảm số lượng chất dẻo gây ô nhiễm các đại dương và đó là chuyện khẩn cấp.
"Đối với tôi, ô nhiễm chất dẻo trong môi trường biển là một dạng biến đổi khí hậu mới nhưng tôi mong rằng chúng ta không phạm phải những sai lầm tương tự. Chúng ta đừng chờ đợi khoa học. Chúng ta đừng tranh luận vấn đề này. Tỉ lệ chất dẻo ở các đại dương đang cao bất thường và lúc này, chúng ta cần phải làm một điều gì đó" - bà Lavers nhấn mạnh.
Bình luận (0)