Ngày 29-11, Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) phục vụ tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Xóa bỏ các rào cản
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp - Ủy ban Nhà nước về NVNONN, cho biết thời gian qua, các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác NVNONN được thể chế hóa thành các quy định pháp luật theo hướng ngày càng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho kiều bào, cơ bản xóa bỏ các rào cản phân biệt giữa đồng bào trong nước và ngoài nước, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích thiết thân của kiều bào, nhất là các vấn đề đa số kiều bào đặc biệt quan tâm như: quốc tịch, xuất nhập cảnh, đất đai, nhà ở, miễn thị thực, kinh doanh đầu tư, giáo dục, thu hút chuyên gia, trí thức, chế độ đãi ngộ với người có công…
Qua đó, tạo sự phấn khởi, tin tưởng, tăng thêm mối liên kết, gắn bó ruột thịt của kiều bào với đất nước.
Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn. Chẳng hạn, trong lĩnh vực quốc tịch, hộ tịch, vấn đề nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam của NVNONN mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài gặp nhiều vướng mắc, bởi quy định về nhập quốc tịch Việt Nam mà vẫn giữ quốc tịch nước ngoài còn chung chung, khó áp dụng trên thực tế và phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan/cá nhân có thẩm quyền áp dụng luật.
Có sự mâu thuẫn giữa Nghị định 16/2020/NĐ-CP so với Luật Quốc tịch liên quan đến điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài hiện chưa được cấp căn cước công dân mặc dù điều 19 và 20 của Luật Căn cước công dân quy định "Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ căn cước công dân".
Về lĩnh vực đất đai, nhà ở, hiện người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang bị hạn chế quyền sử dụng đất ở ngoài các dự án phát triển nhà, dẫn đến hạn chế quyền thừa kế đất ở ngoài các dự án phát triển nhà ở, quyền xây dựng và sở hữu nhà ở trên đất ở ngoài các dự án phát triển nhà ở.
Hội nghị chuyên đề về công tác người Việt Nam ở nước ngoàiẢnh: Minh Châu
Về thu hút chuyên gia, trí thức kiều bào, chế độ đãi ngộ chủ yếu dành cho các chuyên gia đã thành danh, chưa quan tâm nhiều đến những chuyên gia trẻ tuổi - đối tượng cần được chú trọng trong thời gian tới; nguồn lực tri thức của kiều bào đa phần mới chỉ dùng cho hoạt động kết nối. Hoạt động của các mạng lưới chuyên gia, trí thức đã tăng lên về số lượng nhưng chưa đi vào chiều sâu với những dự án hợp tác cụ thể.
Hoàn thiện chính sách, pháp luật
Từ thực tế trên, đại diện Ủy ban Nhà nước về NVNONN đề xuất các giải pháp mang tính định hướng. Trong lĩnh vực quốc tịch, hộ tịch tạo điều kiện cho những người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu Việt Nam được cấp căn cước công dân nhằm tạo điều kiện cho nhóm đối tượng này trong thực hiện các thủ tục, giao dịch trong nước (hiện nay quy định chỉ có người có hộ khẩu được cấp căn cước công dân).
Xem xét đưa vào dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi theo hướng bỏ hạn chế đối với NVNONN và mở rộng quyền xây dựng và sở hữu nhà ở trên đất ở ngoài các dự án phát triển nhà ở, tương tự như công dân Việt Nam trong nước và phù hợp với quy định của Luật Đất đai sửa đổi.
Tiếp tục đổi mới chính sách về đầu tư, cơ chế tiền lương và tài chính cho hoạt động khoa học - công nghệ, đầu tư cơ sở hạ tầng nghiên cứu tiên tiến, tạo môi trường sống và làm việc thuận lợi cho kiều bào; xây dựng cơ sở dữ liệu về chuyên gia, trí thức là NVNONN nhằm liên kết mạng lưới cộng đồng trí thức kiều bào trên thế giới, chia sẻ thông tin về khoa học - công nghệ và là diễn đàn tăng cường kết nối trí thức Việt ở trong và ngoài nước.
Ông Ngô Trịnh Hà, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Nhà nước về NVNONN, lưu ý thời gian tới cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là tiếp tục hoàn thiện các chính sách, pháp luật nhằm tạo thuận lợi cho kiều bào gắn bó với quê hương; tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức tập hợp, vận động NVNONN, trong đó chú trọng đối tượng kiều bào trẻ; phát huy hơn nữa vai trò của các hội, đoàn trong công tác đại đoàn kết dân tộc.
Đặc biệt, tiếp tục phát huy nguồn lực của NVNONN, nhất là nguồn lực "mềm", đóng góp cho sự phát triển của đất nước cũng như các địa phương...
Bình luận (0)