Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 20-5 đã tổ chức cuộc họp khẩn để bàn về đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đang lan rộng ở châu Âu.
Bệnh này chủ yếu xuất hiện ở Tây và Trung Phi nhưng hiện có hơn 100 ca được xác nhận hoặc nghi ngờ tại nhiều nước. Cụ thể, theo Reuters, Mỹ, Canada, Úc cùng với 9 nước ở châu Âu (Bỉ, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Anh) đã ghi nhận có ca bệnh này. Ngoài ra, một bệnh viện ở Israel đang điều trị một người đàn ông vừa trở về từ Tây Âu có triệu chứng giống với bệnh đậu mùa khỉ.
Lực lượng quân y Đức hôm 20-5 nhận định đây là đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ lớn và lan rộng chưa từng có ở châu Âu sau khi ca đầu tiên được phát hiện tại nước này.
Cùng ngày, Tây Ban Nha thông báo ghi nhận 24 ca mới, nâng tổng số ca lên 30. Giới chức y tế nước này cho biết sẽ nỗ lực thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn bệnh lây nhiễm thêm. Bồ Đào Nha cũng phát hiện thêm 9 ca bệnh hôm 20-5, nâng tổng số ca lên 23.
Viện Vi trùng học thuộc Lực lượng Vũ trang Đức ở TP Munich là nơi phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại nước này Ảnh: REUTERS
Từ năm 1970, 11 nước châu Phi thông báo có ca đậu mùa khỉ. Trong số này, Nigeria chứng kiến đợt bùng phát lớn từ năm 2017 cho đến giờ. Riêng năm nay, theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Nigeria và WHO, đã có 15 ca mới và 31 ca nghi nhiễm tại nước này tính đến hôm 30-4.
Ca bệnh đầu tiên ở châu Âu được xác nhận hôm 7-5 và người này vừa từ Nigeria trở về Anh. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân sau đó được xác định không đến châu Phi thời gian gần đây. Vì thế, nguyên nhân đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ ở châu Âu vẫn chưa rõ ràng dù các cơ quan y tế cho rằng có khả năng virus đã lây lan trong cộng đồng ở một mức độ nào đó.
Bệnh đậu mùa khỉ hiếm khi lây lan ra bên ngoài châu Phi nên đợt bùng phát nói trên đang gây lo ngại. Tuy nhiên, theo Reuters, các nhà khoa học nhận định đợt bùng phát bệnh hiện tại sẽ không tiến triển thành đại dịch như Covid-19 vì virus gây đậu mùa khỉ không dễ phát tán như SARS-CoV-2.
Ông Fabian Leendertz, chuyên gia Viện Robert Koch (Đức), cho rằng đợt bùng phát này ít khả năng kéo dài. Các ca bệnh có thể được cách ly hiệu quả thông qua truy vết. Ngoài ra, có các loại thuốc, vắc-xin hiệu quả có thể được sử dụng nếu cần.
Theo WHO, hiện chưa có vắc-xin dành riêng cho bệnh đậu mùa khỉ. Song, dữ liệu cho thấy các loại vắc-xin sử dụng để phòng ngừa bệnh đậu mùa có hiệu quả phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ lên đến 85%.
Bất chấp những trấn an trên, ông Hans Kluge, Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của WHO, cảnh báo số ca nhiễm có thể tăng lên tại châu Âu trong mùa hè này khi nhiều người tụ tập tiệc tùng và tham gia các lễ hội khắp khu vực.
Trước mắt, theo WHO, số ca có thể còn tăng thêm trong những ngày tới khi hoạt động giám sát được mở rộng. WHO cho rằng do bệnh đậu mùa khỉ lây nhiễm qua tiếp xúc gần, các biện pháp ứng phó nên tập trung vào người bệnh và người từng tiếp xúc gần họ. Nhân viên y tế, người nhà và bạn tình của người nhiễm virus đậu mùa khỉ là những đối tượng có nguy cơ bị lây bệnh cao.
Bình luận (0)