Chốt phiên giao dịch buổi sáng, chỉ số CSI 300 của thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm 2,2%. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite giảm 2,4%.
Tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng giảm 2,5%.
Trang tin Bloomberg cho biết chỉ số châu Á – Thái Bình Dương MSCI (trừ Nhật Bản) giảm 2,1% xuống còn 374.20 điểm lúc 9 giờ 44 phút sáng 11-1 (giờ địa phương) ở Hồng Kông. Nếu đà giảm này tiếp tục, MSCI có thể đóng phiên với mức thấp nhất kể từ tháng 10-2011. Tuần trước, chỉ số này giảm 7,1%.
Tương tự, chỉ số S&P/ASX 200 của Úc giảm 1,9%, chỉ số S&P/NZX 50 của New Zealand mất 0,9% và chỉ số Kospi của Hàn Quốc “bốc hơi” 0,9%, trong khi chỉ số S&P 500 giảm 0,7%. Sàn chứng khoán Nhật Bản hôm nay đóng cửa do đang nghỉ lễ.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc hồi phục nhẹ hôm 8-1 sau khi chính phủ nước này dừng cơ chế “tự ngắt mạch thị trường” và đẩy tỉ giá tham chiếu đồng nhân dân tệ so với đồng USD lên. Quỹ nhà nước Trung Quốc cũng bỏ tiền mua cổ phiếu để ổn định thị trường.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc hôm 9-1 cho biết Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tăng 1,6% trong tháng 12-2015 so với thời điểm 1 năm trước đó, theo sau mức tăng 1,5% trong tháng 11-3015. Tuy nhiên, Chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 5,9% trong tháng 12-2015, kéo dài đà giảm của chỉ số này thành 46 tuần liên tiếp.
Tình trạng hỗn loạn của thị trường chứng khoán Trung Quốc dẫn đến đợt bán tháo cổ phiếu lớn trên toàn thế giới trong tuần qua. Phố Wall (Mỹ) chịu chung số phận với tuần lễ giao dịch đầu năm mới tệ nhất trong lịch sử.
Giám đốc bộ phận đầu tư chiến lược Matthew Sherwood tại Công ty Perpetual, TP Sydney – Úc, nhận định thị trường đang lo ngại về sự ổn định tài chính của Trung Quốc trong khi các nhà đầu tư quan tâm hơn về chế độ ngoại hối mới.
“Mọi người cũng khá lo lắng về triển vọng kinh tế (đang đi xuống) của Trung Quốc và nghĩ về một cú hạ cánh cứng cho Bắc Kinh. Nhưng Bắc Kinh còn rất nhiều chính sách (để cứu vãn nền kinh tế) – ông Matthew cho biết thêm.
Bình luận (0)