Giới truyền thông Mỹ hôm 23-5 cho biết các nhà điều tra đã tìm thấy dấu vết ADN của cựu tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn trên quần áo của cô hầu phòng đã tố cáo ông tấn công tình dục mình.
Chưa đủ thuyết phục
Báo The Wall Street Journal hôm 23-5 dẫn lời các quan chức thực thi pháp luật cho biết mẫu ADN lấy từ ông Strauss-Kahn phù hợp với tinh trùng trên cổ áo của người bị hại. Ngoài ra, một số nhân chứng đã kể lại những gì diễn ra không lâu sau vụ tấn công tình dục bị cáo buộc nói trên. Họ cho biết các nhân viên khách sạn Sofitel ở New York (Mỹ) tìm thấy cô hầu phòng tại hành lang, gương mặt “trông đau khổ” và “cần phải được an ủi”. Trong lúc cô hầu phòng được an ủi, ông Strauss-Kahn rời khỏi phòng và đi về phía thang máy. Ông ta đã đi ngang qua cô hầu phòng và hai người có nhìn nhau.
Trong khi đó, hai đài truyền hình NBC và ABC dẫn các nguồn tin cho biết công việc xét nghiệm ADN vẫn đang tiếp tục đối với các bằng chứng khác thu thập tại phòng khách sạn của ông Strauss-Kahn. Trong quá trình điều tra, nhà chức trách đã cắt một mảnh tấm thảm trong phòng của ông Strauss-Kahn. Các nhân viên điều tra tin rằng mẫu vật này có thể chứa tinh trùng của ông Strauss-Kahn.
Phản ứng trước thông tin trên, một người phát ngôn của Sở Cảnh sát New York khẳng định cho đến nay các nhân viên điều tra vẫn chưa công bố kết quả và thông tin liên quan đến việc xét nghiệm ADN của ông Strauss-Kahn. Trong khi đó, các luật sư biện hộ cho ông Strauss-Kahn chưa có bình luận gì. Nếu thông tin trên là đúng, đây sẽ là bằng chứng pháp y đầu tiên nối kết ông Strauss-Kahn với người bị hại.
Các chuyên gia nói với hãng tin AFP rằng bằng chứng này có thể chứng minh rằng việc quan hệ tình dục đã xảy ra nhưng không thể chứng minh có yếu tố bạo lực. Trước đó, tại một phiên tòa vào tuần rồi, luật sư Benjamin Brafman cho rằng những bằng chứng pháp y thu thập được trong cuộc điều tra không có nghĩa là một hành vi cưỡng ép quan hệ tình dục đã xảy ra.
Lời lẽ này đã dẫn đến phỏng đoán rằng luật sư biện hộ sẽ bào chữa theo hướng việc quan hệ tình dục đã diễn ra trên cơ sở đồng thuận của hai bên. Ngoài ra, nhóm luật sư biện hộ cũng thuê một đội ngũ nhà điều tra tư nhân tìm hiểu cuộc sống của cô hầu phòng 32 tuổi nói trên tại New York và tại quê hương Guinea.
Phủ nhận mọi cáo buộc
Những cáo buộc tấn công tình dục nói trên đã buộc ông Strauss-Kahn phải từ chức tổng giám đốc IMF đồng thời phá hỏng cơ hội tranh cử tổng thống Pháp của ông vào năm tới. Tuy nhiên, trong một e-mail gửi nhân viên IMF vào cuối ngày 22-5, ông Strauss-Kahn đã phủ nhận mọi cáo buộc nhằm vào mình, đồng thời bày tỏ “nỗi buồn sâu sắc” về việc phải rời bỏ vị trí có mức lương 450.000 USD/năm.
Ông viết: “Tôi kịch liệt bác bỏ những cáo buộc đối với tôi. Tôi tin rằng sự thật sẽ được phơi bày và tôi sẽ được trắng án. Tôi không muốn IMF - những đồng nghiệp yêu quý của tôi - phải chịu chung cơn ác mộng riêng tư này theo bất kỳ cách nào. Vì vậy, tôi phải ra đi”.
Trong lúc này, các luật sư của ông Strauss-Kahn tiếp tục tìm kiếm nơi ở mới cho thân chủ mình trong lúc chờ xét xử. Ông Strauss-Kahn đang phải đeo một thiết bị giám sát điện tử ở cổ chân và bị camera theo dõi cả ngày đêm tại tòa nhà Empire Building ở New York.
Tuy nhiên, cư dân ở đó đã lên tiếng phản đối sự hiện diện của ông vì không muốn sự chú ý của giới truyền thông thường xuyên tập trung bên ngoài tòa nhà kể từ khi ông đến đó. Ban quản lý tòa nhà đã lên tiếng xin lỗi người dân và cho biết ông Strauss-Kahn sẽ rời khỏi đó trong tuần này. Dù vậy, theo hãng tin AP, hiện chưa rõ khi nào ông Strauss-Kahn chuyển đi nơi khác.
Bắt đầu bầu tổng giám đốc IMF
Tiến trình bầu chọn tổng giám đốc IMF mới chính thức bắt đầu hôm 23-5 khi Mexico đề cử Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mexico Agustin Carstens vào vị trí này. Tuy nhiên, Brazil, nền kinh tế hàng đầu châu Mỹ Latin, tỏ ra không mấy mặn mà với ứng viên này khi cho rằng điều quan trọng là có được một ứng cử viên giỏi chứ không phải là vấn đề quốc tịch của ứng viên đó.
Trong khi đó, Nga vào tuần rồi cho biết sẽ ủng hộ Thống đốc Ngân hàng Trung ương Kazakhstan Grigory Marchenko vào vị trí này. Một số nguồn tin cho hãng tin Reuters biết chính khách người Nam Phi Trevor Manuel cũng có thể là một ứng viên. Dù vậy, Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde, được xem là ứng cử viên hàng đầu, vẫn chưa chính thức được đề cử. Người phát ngôn Chính phủ Pháp Francois Baroin nói Trung Quốc đã ủng hộ bà Lagarde vào vị trí này.
IMF đã đặt ra thời hạn chót để bầu chọn tổng giám đốc mới là ngày 30-6 tới. |
Bình luận (0)