Nguy cơ an ninh đang uy hiếp thế giới hiện rõ ngay tại nơi tề tựu của 2.500 đại biểu từ 100 nước, trong đó có 40 lãnh đạo quốc gia, các tỉ phú và cả những siêu sao điện ảnh. Hàng ngàn cảnh sát và quân nhân trang bị súng máy tuần tra nghiêm ngặt trong khi nhiều khối bê-tông chặn trước các đại lộ chính. Ngoài ra, 2 hệ thống tên lửa đất đối không luôn trong tư thế sẵn sàng.
Trong lúc các đại biểu trên đường tới Davos, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hôm 19-1 báo động hiểm họa của các nền kinh tế mới nổi và cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2016 xuống còn 3,4% so với mức 3,6% đưa ra 3 tháng trước. Chưa hết, theo Reuters, hơn 1.000 tỉ USD trong dòng đầu tư đã chạy khỏi các thị trường đang phát triển trong 18 tháng qua và cuộc tháo chạy mới được nửa chặng đường khi các nền kinh tế từng bùng nổ một thời giờ mắc kẹt trong chu kỳ tăng trưởng và đầu tư yếu kém. Vấn đề này không có mặt trong chương trình nghị sự Davos dù bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tại phiên họp ngày 20-1 tập trung mô tả những bất ổn mà kinh tế toàn cầu sẽ phải đối mặt.
Ngay trong ngày Diễn đàn Davos khai mạc, chứng khoán châu Á giảm mạnh, trong khi giá dầu thô thế giới giảm xuống 28 USD/ thùng, thấp nhất trong 12 năm trở lại đây. Trước đó 1 ngày, Trung Quốc công bố mức tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong 25 năm qua, mang thêm ảm đạm tới khu nghỉ dưỡng tuyết phủ lạnh lẽo ở Davos. WEF cũng không chính thức bàn về sức khỏe của nền kinh tế số 2 thế giới song theo chuyên gia kinh tế trưởng của Nhóm nghiên cứu toàn cầu IHS (Mỹ) Nariman Behravesh, câu chuyện trên sẽ lấn át các cuộc nói chuyện bên hành lang mặc cho giới hoạch định chính sách Bắc Kinh không hứng thú, khiến Davos công khai sẽ hơi khác so với Davos kín.
Theo Reuters, khủng hoảng di cư của châu Âu là chủ đề xuyên suốt 6 phiên họp tại diễn đàn kéo dài 4 ngày này. Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel và Thủ tướng Thụy Điển Stefan Loefven tham gia cuộc tranh luận ngày 20-1 (giờ địa phương) về vấn đề hòa nhập của người nhập cư khi mà dư âm từ vụ tấn công tình dục quy mô lớn trong đêm giao thừa vừa qua ở Cologne đang khiến Đức khó dang rộng vòng tay với hàng trăm ngàn người nhập cư.
Chủ đề chính của WEF năm nay mang tên “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” hứa hẹn sẽ châm ngòi nhiều tranh cãi. Một báo cáo công bố trước hội nghị cho thấy cuộc cách mạng sẽ mang lại những tiến bộ công nghệ sinh học và in 3D song thế giới phải chuẩn bị cho một cuộc đại chiến giữa “robot” với con người bởi ít nhất 5 triệu việc làm sẽ biến mất trong 5 năm tới, chỉ tính riêng trong 15 nền kinh tế phát triển và đang nổi bật nhất thế giới. Những công việc mới chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ lại không phải thế mạnh của phái yếu - từ đó thai nghén cho những bất bình đẳng giới mới - một vấn đề cũng được thảo luận tại hội nghị.
Bình luận (0)