Một số nước phương Tây, trong đó có Mỹ, đang có những bước đi nhằm chống lại ảnh hưởng đang tăng của Trung Quốc tại Thái Bình Dương, như mở đại sứ quán mới, tăng cường nhân viên ngoại giao và tiếp xúc thường xuyên hơn với lãnh đạo các đảo quốc tại khu vực này.
Cạnh tranh nhiều mặt trận
Cuộc chiến giành ảnh hưởng tại Thái Bình Dương ngày một nóng khi mỗi đảo quốc tại đó tuy có diện tích nhỏ nhưng lại nắm một lá phiếu tại các diễn đàn quốc tế, như Liên Hiệp Quốc. Ngoài ra, khu vực này còn dồi dào tài nguyên biển. Trung Quốc đã dành các khoản tín dụng ưu đãi và viện trợ trị giá 1,3 tỉ USD cho nơi đây kể từ năm 2011, trở thành nhà tài trợ lớn thứ 2 sau Úc. Phương Tây lo ngại các đảo quốc Thái Bình Dương trở thành con nợ của Bắc Kinh và bị nước này chi phối.
Một quan chức Mỹ giấu tên nói với Reuters hôm 29-8 nước này rất quan ngại trước nguy cơ nợ xấu chất chồng từ việc Trung Quốc cho vay bừa bãi. Washington cần hiện diện nhiều hơn tại Thái Bình Dương để các chính phủ ở đó biết về những lựa chọn sẵn có và những hậu quả tiềm tàng liên quan đến chuyện vay mượn.
Trong nỗ lực kiềm chế Trung Quốc, một số nước như Mỹ, Úc, New Zealand cho biết sẽ tăng cường viện trợ kinh tế và hiện diện ngoại giao tại các nước ở khu vực. Trước mắt, theo nguồn tin chính phủ Mỹ, Washington sẽ nâng số lượng nhân viên ngoại giao đóng tại Palau, Liên bang Micronesia và có thể là cả Fiji trong vòng 2 năm tới. Trong khi đó, Úc dự kiến bổ nhiệm cao ủy đầu tiên tại Tuvalu trong vài tuần tới. Anh sẽ mở văn phòng cao ủy ở Vanuatu, Tonga và Samoa vào cuối tháng 5-2019 còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang nỗ lực tổ chức một cuộc gặp với lãnh đạo các nước Thái Bình Dương vào đầu năm sau.
Sự cạnh tranh cũng diễn ra mạnh mẽ trên mặt trận quân sự. Vào tuần tới, các lực lượng vũ trang từ Papua New Guinea, Fiji và Tonga sẽ tham gia tập trận ngoài khơi bờ biển phía Bắc nước Úc, bên cạnh binh sĩ Mỹ, Pháp, Nhật Bản và cả Trung Quốc. Đến cuối năm nay, Fiji dự kiến được Trung Quốc tặng một tàu thủy văn có thể lập bản đồ đáy biển.
Đây là món quà quân sự đầu tiên của Bắc Kinh dành cho một nước Thái Bình Dương trong động thái được các nhà ngoại giao phương Tây nhận định là nhằm "ve vãn" Fiji - một trong những nền kinh tế lớn tại khu vực.
Lính thủy đánh bộ Mỹ tham gia một cuộc tập trận chung với lực lượng nước chủ nhà trên đảo Townshend - Úc Ảnh: LỰC LƯỢNG LÍNH THỦY ĐÁNH BỘ MỸ
Cuộc chiến tâm lý lớn
Một số chuyên gia cho rằng việc đẩy mạnh nỗ lực kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương có thể nằm trong chiến lược rộng lớn hơn của Mỹ nhằm làm chậm đà trỗi dậy của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Một phần khác của chiến lược chính là cuộc chiến thương mại đang được chính quyền Tổng thống Donald Trump phát động.
Nhiều nhà phân tích cho rằng vẫn còn quá sớm để gọi cuộc xung đột Mỹ - Trung hiện giờ là chiến tranh lạnh mới, một phần vì 2 nền kinh tế đang gắn kết chặt chẽ và không bên nào tìm cách hủy diệt bên kia. Dù vậy, theo tờ Los Angeles Times, quan điểm trên không có gì quá khó hiểu bởi giới chức Mỹ ngày càng nói nhiều đến việc Bắc Kinh trở thành đối thủ chính của Washington.
Ông Trump gần đây nói đến cái tên Trung Quốc khi lý giải cho sự cần thiết phải lập một binh chủng không gian vào năm 2020. Một báo cáo của Lầu Năm Góc trong tháng này cho rằng máy bay ném bom Trung Quốc có lẽ đang được huấn luyện để tấn công các mục tiêu Mỹ.
Ông Kerry Brown, chuyên gia tại Trường ĐH King (Anh), cho rằng 2 cường quốc đang trong "cuộc chiến tâm lý lớn": Trung Quốc tìm cách khẳng định mình, còn Mỹ quyết tâm duy trì vị thế siêu cường thống trị. "Mỹ không đời nào chấp nhận một thế giới mà vị trí số 1 rơi vào tay Trung Quốc hoặc nước nào khác. Chúng ta đang chứng kiến nỗ lực được phối hợp chặt chẽ của Mỹ nhằm làm chậm lại quá trình này và tìm cách đối phó với nó" - ông Brown nhận định.
Một trong những biện pháp đối phó như thế là bắt tay với các nước chia sẻ quan ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Vào tuần tới, cuộc đối thoại giữa bộ trưởng Quốc phòng, ngoại trưởng Mỹ với những người đồng cấp Ấn Độ dự kiến diễn ra tại New Delhi sau khi bị hoãn 2 lần. Phát biểu trước thềm cuộc đối thoại Mỹ - Ấn 2+2 này, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Randall G.Schriver hôm 29-8 cho biết một trong những nội dung trọng tâm là "Trung Quốc và cách đối phó với nước này". Theo ông Schriver, Mỹ hy vọng đạt được kết quả cụ thể tại cuộc đối thoại, như tăng cường quy mô tập trận quân sự chung.
Bình luận (0)