Hành động kể trên đã thu hút sự chú ý của những cư dân sống xung quanh căn hộ. Chủ quán mì đối diện ngôi nhà cao tầng này, Eng Somnang, 20 tuổi, nhìn thấy nhóm người Trung Quốc chuyển tới hồi đầu tháng 8 và nghĩ rằng họ đang mang một văn phòng làm việc tới đó.
Eng mô tả những người cư trú trong tòa nhà tỏ ra khá lặng lẽ. Họ chỉ ra ngoài vào ban đêm để lấy thức ăn nhưng bắt người giao hàng phải đứng ngoài cổng, không được vào trong. Khu căn hộ được cho thuê với giá 25.000 USD/tháng nhưng chủ nhà không thấy xuất hiện.
Cảnh sát Campuchia cho biết khu căn hộ 11 tầng được sử dụng như một nơi chứa chấp hơn 200 nghi can lừa đảo trên mạng internet, trong đó hầu hết nạn nhân của bọn chúng đều sống ở Trung Quốc.
Hôm 16-8, lực lượng an ninh đột kích toà nhà để ngăn chặn "một vụ lừa đảo trị giá hàng tỉ USD".
Cảnh sát Campuchia thông báo họ đã bắt giữ 225 người Trung Quốc – bao gồm 25 phụ nữ - nghi lên kế hoạch lừa đảo qua mạng internet. Các nghi phạm sẽ bị trục xuất về đại lục để phục vụ điều tra.
Một trong những nghi phạm tên Fang, 30 tuổi, đến từ Trung Quốc, cho biết cô ta đến Campuchia bằng thị thực du lịch. Fang nói có hơn 200 người trong tòa nhà nhưng từ chối trả lời về công việc đang làm.
Theo Trưởng Phòng điều tra tại Sở Nhập cư Campuchia, ông Uk Haisela, nghi phạm lừa đảo viễn thông Trung Quốc trước đây hay nhập cảnh vào nước này bằng thị thực du lịch. Chúng lừa các nạn nhân là công – viên chức đã nghỉ hưu ở Trung Quốc. Có nghi phạm kiếm được số tiền lên đến 70.000 USD/tuần.
Ông Uk Haisela nói cảnh sát Campuchia theo dõi các băng nhóm lừa đảo này với sự giúp đỡ của chính phủ Trung Quốc. "Họ gửi địa chỉ IP cho chúng tôi... Khi chúng tôi bắt được các nghi can, chúng tôi báo cho đại sứ quán Trung Quốc" - ông Uk Haisela chia sẻ.
Cảnh sát Campuchia đột kích toà nhà 11 tầng. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ từ phía Campuchia trong việc giải quyết các vụ gian lận viễn thông và những hoạt động tội phạm xuyên quốc gia khác.
Ngoài Campuchia, công dân Trung Quốc còn thực hiện hành vi lừa đảo ở một số nước như Fiji, Indonesia...
Trong tháng này, Fiji trục xuất 77 nghi phạm gian lận viễn thông người Trung Quốc về nước. Thêm 150 người Trung Quốc bị giam tại Indonesia liên quan tới vụ lừa đảo trị giá khoảng 450 triệu USD.
Lennon Chang, chuyên gia tội phạm học và gian lận viễn thông tại Trường ĐH Monash, TP Melbourne - Úc, cho biết những kẻ lừa đảo thường chọn các quốc gia mà bọn chúng cho rằng việc thực thi pháp còn lỏng lẻo và chính phủ sở tại dường như không coi đó là vấn đề ưu tiên.
Bình luận (0)