Lực lượng an ninh Pháp được đánh giá là hiệu quả nhất nhì châu Âu vì đã ngăn chặn được mọi cuộc tấn công trên lãnh thổ trong vòng 15 năm qua. Chính vì vậy, để Mohamed Merah thực hiện 3 vụ xả súng, giết chết 7 người trong vòng 10 ngày thực sự là cú sốc lớn đối với người Pháp.
Ngay trong lúc thương thuyết với Merah ngày 21-3, cảnh sát đã tiết lộ thông tin nghi phạm này bị theo dõi từ lâu do khuynh hướng Hồi giáo cực đoan cộng với việc y từng đến Pakistan và Afghanistan. Đó là chưa kể Merah từng phạm ít nhất 15 tội hình sự.
Tình báo Pháp theo dõi Merah đã lâu nhưng lại để y gây ra 3 vụ xả súng. Ảnh: Reuters
Một báo cáo năm 2010 nói Merah từng buộc một thiếu niên xem các đoạn băng al-Qaeda chặt đầu con tin. Khi mẹ của cậu bé này nộp đơn kiện, Merah tấn công bà đến mức phải nhập viện vài ngày. Sau đó, y còn mặc đồ quân đội, khua gươm trước nhà bà và hô to: “Tao là người của al-Qaeda”.
Công tố viên trưởng Francois Molins còn cho biết nghi phạm 24 tuổi này đã được al-Qaeda huấn luyện ở vùng Waziristan, biên giới Pakistan – Afghanistan. Y từng bị cảnh sát Afghanistan bắt giữ và trao cho quân đội Mỹ. Lực lượng Mỹ sau đó đã trục xuất Merah trở lại Pháp.
Lãnh đạo cực hữu Pháp Marine Le Pen, người đã chỉ trích dữ dội việc người Hồi giáo di cư sang Pháp trong chiến dịch tranh cử tổng thống, nhanh chóng lên tiếng cáo buộc chính quyền “xao nhãng và biếng nhác” trước “mối nguy hiểm sống còn”.
Chính trị gia phe Xã hội Jean-Pierre Chevenement, cựu Bộ trưởng Quốc phòng và Nội vụ, nói những vụ giết người là “một tín hiệu cảnh báo cho các lực lượng chống khủng bố”. Còn phát ngôn viên của Đảng Xã hội đặt câu hỏi: “Nếu DCRI (cơ quan tình báo nội địa) đã theo dõi Mohamed Merah cả năm trời, sao phải mất lâu thế mới tìm ra hắn?”. Giới điều tra chỉ lần ra tung tích của Merah vào ngày 20-3, một ngày sau vụ xả súng ở trường dành cho người Do Thái.
Lực lượng an ninh Pháp đang bị chỉ trích nặng nề
Đáp lại, chính phủ cánh hữu của Tổng thống Nicolas Sarkozy cũng lên tiếng tự bào chữa. Bộ trưởng Nội vụ Claude Gueant nói ngày 22-3: “DCRI theo dõi rất nhiều người liên quan đến Hồi giáo cực đoan. Nhưng nếu chỉ thể hiện ý tưởng thôi thì chưa đủ để đưa ai đó ra xét xử”.
Ông Gueant cũng khẳng định chưa hề có bất cứ “khuynh hướng tội ác nào” ở cộng đồng Hồi giáo tại thành phố Toulouse nơi Merah sinh sống và không có dấu hiệu nào cho thấy các cuộc tấn công đã được chuẩn bị trước. Dù thừa nhận cơ quan mật vụ đã biết Merah “trong nhiều năm” nhưng ông Gueant biện hộ “rất khó để chống lại một cá nhân đơn lẻ” và “những kẻ được mệnh danh “con sói đơn độc” đều là những địch thủ khó lường”.
Ngoại trưởng Alain Juppe cũng khẳng định không có lý do gì để nói rằng chính quyền có lỗi trên đài phát thanh Europe 1. Theo ông Juppe, tình báo Pháp luôn theo dõi khoảng 15 – 30 phần tử Hồi giáo vũ trang ở Pháp và chính Merah cũng mới bị thẩm vấn gần đây.
Chuyên gia an ninh Francois Heisbourg thì cho rằng cần phải đặt câu hỏi về sai lầm của ngành tình báo. “Các cơ quan mật vụ biết anh em Merah. Với tôi, câu hỏi là tại sao anh ta không bị đặt dưới sự giám sát như thông thường?” - ông Heisbourg nói.
Ông cho biết thêm: “Tình báo Pháp đã làm việc tuyệt vời 15 năm qua. Không có vụ tấn công nào thành công trên đất Pháp từ năm 1996. Phạm sai lầm là chuyện bình thường. Rõ ràng sự miễn dịch của chúng ta với các vụ tấn công không phải là vĩnh viễn. Một ngày nào đó, một tên khủng bố sẽ lọt lưới, nhưng tất nhiên đó không thể là lý do biện minh cho việc đánh giá sai lầm”.
Bình luận (0)