xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đệ nhất phu nhân quyền năng

THẢO HƯƠNG

Michelle Obama, đệ nhất phu nhân Mỹ, không hài lòng khi bà bị mô tả là một người phụ nữ da đen dễ cáu gắt và can thiệp ngầm vào chuyện quốc sự

Người dám nói ra điều tế nhị đó của đệ nhất phu nhân Mỹ là nhà báo Jodi Kantor của nhật báo The New York Times (NYT), tác giả quyển The Obamas vừa phát hành hôm 10-1.
Nữ nhà báo Jodi, tốt nghiệp Khoa Luật Đại học Harvard, bắt đầu sự nghiệp báo chí trên báo mạng Slate từ năm 1998 và trở thành biên tập viên trẻ nhất của NYT phụ trách mục Nghệ thuật và Thư nhàn. Cô từng viết nhiều về vợ chồng ông Obama từ năm 2007.

Không chỉ là chiếc bóng an phận

Jodi Kantor đã âm thầm tìm hiểu vai trò của bà Michelle Obama kể từ khi ông Obama đắc cử tổng thống vào cuối năm 2008. Cô đã phỏng vấn khoảng 30 quan chức Nhà Trắng thân cận với vợ chồng ông Obama còn đương chức hoặc đã nghỉ làm.
Cuốn The Obamas, tổng hợp từ nguồn tư liệu này, trước khi ra mắt người đọc đã được làng báo Mỹ làm rùm beng, đơn giản bởi vì nó phác họa chân dung một đệ nhất phu nhân đầy quyền năng và có những mối quan hệ đầy sóng gió với ê kíp cố vấn và trợ lý của Tổng thống Obama.

Với nhiều chi tiết phong phú, The Obamas cho thấy ở Nhà Trắng, bà Obama đóng vai cố vấn không chính thức nhưng có ảnh hưởng rất lớn đối với chồng. Người đọc cảm nhận không mấy khó khăn rằng Michelle Obama là một trong những vị đệ nhất phu nhân có ảnh hưởng lớn trong lịch sử nước Mỹ, nếu không muốn nói là lớn nhất.

Ngay sau khi chiến thắng vang dội cuộc đua vào Nhà Trắng hồi tháng 11-2008, ông Obama đã phải đau đầu trước một vấn đề do bà Michelle đặt ra: Có nên trì hoãn việc đưa vợ con vào Nhà Trắng ở?
Câu hỏi này có thể làm ngạc nhiên không ít người nhưng bà Michelle tỏ ra rất nghiêm túc. Bà bảo với các trợ lý của tổng thống rằng bà muốn ở lại Chicago thêm 6 tháng nữa chờ cho Sasha và Malia, hai cô tiểu thư của ông bà, học xong rồi mới chuyển nhà.
img

Gia đình Tổng thống Obama. Ảnh: AP

Tân tổng thống thứ 44 của nước Mỹ không thích đề xuất này của vợ, người mà ông từng mô tả trong bài diễn văn đọc trước cử tri trong những ngày vận động tranh cử là “người bạn tốt nhất trong 16 năm qua, hòn đá tảng trong gia đình chúng tôi, tình yêu của tôi”.

Đó là một vố đau cho ông Obama bởi vì khi ông và Michelle tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, ông hy vọng sẽ được sống với vợ con chung một mái nhà, điều mà ông không thể làm trong một thời gian dài khi đi vận động tranh cử, “cơm chợ, ở khách sạn”.

Cuộc tranh cãi giữa hai ông bà Obama về chuyện chuyển chỗ ở vào Nhà Trắng ít người biết ngoài một số cố vấn và trợ lý của ông Obama. Đó không phải là lần cuối cùng hai người tranh cãi kể từ khi yêu nhau và thành vợ thành chồng.

Nhiều cặp vợ chồng chính khách Mỹ tay trong tay quyết tâm đi tìm quyền lực, sự nổi tiếng và danh vọng. Họ kỳ vọng một ngày nào đó được sống trong ngôi nhà nổi tiếng có tên Nhà Trắng. Ông bà Obama không như vậy.

Tác giả Jodi Kantor cho biết đằng sau mỗi quyết định, mỗi bài diễn văn, mỗi lời tuyên bố, ông Obama đều có những cuộc tranh cãi thẳng thắn và đôi khi gay gắt với vợ về bản chất của chính trị.
Ông Obama tin rằng có thể dùng chính trị để đạt tới một sự thay đổi bền vững, rằng sự nghiệp của ông sẽ không làm xáo trộn cuộc sống gia đình, rằng vợ ông có thể tìm thấy một vị trí ấm cúng trong thế giới của ông.
Thật ra, bà Michelle cũng muốn tin vào điều đó và đôi khi bà biểu lộ rõ niềm tin đó. Nhưng qua nhiều năm, bà cũng thấy có những lý do để nghi ngờ về những chuyện này.

Đi ngược trào lưu

Bà Michelle về bản chất là một người đi ngược trào lưu, hay nghi ngờ những gì mà người khác muốn hoặc kỳ vọng bà thực hiện. Khi người ta cho rằng bà rất phấn khích được vào Nhà Trắng thì bà muốn chứng minh điều ngược lại.

Thật sự bà rất lo lắng về chuyện chuyển nhà từ Chicago về Washington trong lúc con cái chỉ mới hoàn tất học kỳ một. Hơn nữa, bà vẫn nghĩ rằng vợ chồng bà có thể tự quyết định ở đâu, sống như thế nào, không bắt buộc phải theo ý công luận. Còn một điều nữa là hai đứa con bà cần có thời gian để thích nghi về địa vị xã hội và chỗ ở mới.

Trong thâm tâm, bà Michelle cảm thấy bất an khi vào ở Nhà Trắng, nơi mà theo nhận thức riêng của bà, không chỉ là văn phòng làm việc, một lâu đài, một nhà bảo tàng mà còn là một doanh trại quân sự, một mục tiêu đánh bom của bọn khủng bố.

Tuy vậy, cuối cùng đệ nhất phu nhân quyết định di chuyển đến thủ đô ngay không phải vì luật lệ và truyền thống đã quy định như thế mà vì bà “muốn gia đình sống chung với nhau”.

img

Bìa sách The Obamas. Ảnh: AP

Khi vào Nhà Trắng rồi, bà cảm thấy ngột ngạt và đôi khi không giấu nổi sự bực dọc vì những hạn chế như không được dẫn chó cưng đi chơi vì sợ bị mấy tay paparazzi chụp hình.
Bà cũng thường bị các tay trợ lý của chồng giám sát đủ thứ, từ chuyện trang trí phòng ốc riêng tư cho đến chuyện bà có đem theo chuyên viên trang điểm khi đi công du nước ngoài hay không.

So với chồng, đôi khi bà Michelle tỏ ra cứng rắn hơn nhiều với các cố vấn và trợ lý. Thậm chí, bà còn muốn ông Obama lập ê kíp mới. Sự căng thẳng giữa bà và các cố vấn đạt tới đỉnh điểm khi một trong các cố vấn hàng đầu của tổng thống không kìm được cơn giận đã chỉ trích bà Michelle trong một cuộc họp năm 2010.

Kỳ tới: Xung đột trong Nhà Trắng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo