Ngày 18-10 đã diễn ra lễ khai mạc Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ ba (BRF 3) tại Đại Lễ đường Nhân dân, thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc với sự tham dự của hơn 4.000 đại biểu từ hơn 140 quốc gia và 30 tổ chức quốc tế, trong đó có hơn 20 nguyên thủ quốc gia/người đứng đầu chính phủ. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại diễn đàn.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh sau hơn 1 thập kỷ, sáng kiến Vành đai và Con đường đã mở rộng không gian liên kết và kết nối từ lục địa Á - Âu sang châu Phi và châu Mỹ Latinh; không chỉ hình thành các tuyến hành lang kinh tế, các tuyến đường bộ và đường sắt mà còn đầu tư phát triển năng lượng sạch, hạ tầng thông tin, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, giao lưu văn hóa - nghệ thuật, trao đổi học giả, kết nối doanh nghiệp.
Về định hướng hợp tác trong thời gian tới, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh 3 nguyên tắc "cùng lên kế hoạch, cùng phát triển và cùng hưởng thành quả" và đề xuất 8 hành động trọng tâm.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại phiên họp cấp cao với chủ đề “Kinh tế số - Động lực mới của tăng trưởng”. Ảnh: TTXVN
Chiều cùng ngày, trong khuôn khổ BRF 3 đã diễn ra 3 phiên họp cấp cao về kinh tế số, phát triển xanh và kết nối khu vực, cùng 6 diễn đàn nhánh cấp bộ trưởng về kết nối thương mại, giao lưu nhân dân, giao lưu học giả, con đường tơ lụa sạch, hợp tác địa phương và hợp tác biển.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ các sáng kiến có lợi cho hòa bình, hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới. Việt Nam hoan nghênh và đã tích cực tham gia nhiều cơ chế, sáng kiến toàn cầu quan trọng do Trung Quốc khởi xướng.
Trao đổi về kinh tế số - động lực mới của tăng trưởng, Chủ tịch nước chia sẻ Việt Nam coi trọng các con đường kết nối với thế giới cả trên đất liền, trên không, trên biển, trên không gian số.
Việt Nam đang nỗ lực đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam tăng cao; năm 2022 đóng góp 14,26% GDP, đang hướng đến mục tiêu 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030.
Để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các quốc gia và mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người dân trong quá trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, Chủ tịch nước đề xuất hợp tác về kinh tế số dựa trên 3 trụ cột.
Thứ nhất, hợp tác về thể chế số để xây dựng các quy định phù hợp, bảo đảm sự thông suốt, an toàn, bảo mật dữ liệu; tạo môi trường kinh doanh thân thiện; phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, bảo đảm an toàn, an ninh và chủ quyền quốc gia, cần tính đến trình độ phát triển, đặc thù của các quốc gia, bảo đảm cân bằng lợi ích, bình đẳng cho các bên.
Thứ hai, hợp tác về hạ tầng số để bảo đảm và nâng cao năng lực tham gia của các nước vào nền kinh tế số toàn cầu. Chủ tịch nước kêu gọi các tổ chức tài chính quốc tế, các doanh nghiệp hợp tác đầu tư vào những dự án kết cấu hạ tầng tại Việt Nam và các nước trong khu vực.
Thứ ba, hợp tác nhân lực số để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ, đặc biệt là các công nghệ mới, hiện đại. Chủ tịch nước nhấn mạnh trong lĩnh vực kinh tế số cần thúc đẩy các dự án chuyển giao tri thức và công nghệ.
Bình luận (0)