Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lithuania Gabrielius Landsbergis đã đề xuất kế hoạch nói trên trong một cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh Liz Truss tại London vào hôm 23-5.
"Thời gian rất ngắn. Chúng ta đang kết thúc một vụ thu hoạch mới và không có cách thực tế nào khác để xuất khẩu ngũ cốc ngoại trừ thông qua cảng Odesa của Biển Đen. Không có cách nào để lưu trữ loại ngũ cốc này và không có con đường thay thế thích hợp nào khác. Chúng tôi bắt buộc phải cho các quốc gia dễ bị tổn thương thấy rằng chúng tôi đã chuẩn bị để thực hiện các bước cần thiết để nuôi sống thế giới" - ông Landsbergis nói với The Guardian.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lithuania Gabrielius Landsbergis - Ảnh: DW
Bộ trưởng Landsbergis đề xuất rằng một liên minh hải quân thực hiện nhiệm vụ hộ tống - không phải do NATO điều hành - có thể bảo vệ các tàu chở ngũ cốc khi chúng đi qua các tàu chiến Nga trên Biển Đen. Ngoài Anh, các quốc gia bị ảnh hưởng bởi nguy cơ thiếu hụt ngũ cốc như Ai Cập có thể tham gia chiến dịch hộ tống này.
"Những gì chúng ta đã thấy bây giờ mới chỉ là khởi đầu. Điều tồi tệ nhất sẽ đến trong vòng 5 đến 7 tuần tới khi vụ thu hoạch đầu tiên đến và không có chỗ để đưa đi, hậu quả là người dân ở Bắc Phi, Trung Đông và Đông Nam Á sẽ phải trả giá cắt cổ cho lúa mì, ngô và các loại hàng hóa khác" - ông nói.
Theo ông Landsbergis, Ukraine cần xuất khẩu 80 triệu tấn lúa mì trong năm nay, nhấn mạnh rằng đây là một sứ mệnh nhân đạo phi quân sự.
Kế hoạch sẽ đòi hỏi bước rà soát bom mìn trên Biển Đen để bảo đảm lối đi an toàn, cũng như sự đồng thuận của Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia bảo vệ lối vào Biển Đen.
Trước đó, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres đã cảnh báo về "một cơn bão đói" nếu ngũ cốc Ukraine không được xuất khẩu. 41 quốc gia kém phát triển nhất thế giới đang phải nhập khẩu 1/3 lúa mì từ Ukraine và Nga.
4 nước EU đề xuất trưng dụng tài sản "đóng băng" của Nga tái thiết Ukraine
Theo hãng tin Reuters, một văn bản chung do 4 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) là Lithuania, Slovakia, Latvia và Estonia ban hành ngày 23-5 cho biết vào ngày 24-5, họ sẽ chính thức kêu gọi tịch thu tài sản của Nga đang bị EU phong tỏa để tài trợ cho việc tái thiết Ukraine.
Ngày 3-5, Ukraine ước tính số tiền cần thiết để tái thiết đất nước do cuộc xung đột với Nga vào khoảng 600 tỉ USD. Nhưng với xung đột vẫn đang diễn ra gay gắt, tổng số tiền có thể đã tăng mạnh, văn bản đề xuất.
Reuters cho biết văn bản mà họ đã được xem cũng kêu gọi khối 27 quốc gia bắt đầu chuẩn bị cho các biện pháp trừng phạt mới chống lại Moscow.
4 nước cho hay EU và các quốc gia đồng quan điểm đã đóng băng tài sản thuộc về các cá nhân và tổ chức của Nga và khoảng 300 tỉ USD dự trữ của ngân hàng trung ương.
Văn bản kêu gọi các nước EU cùng nhau xác định một cách thức hợp pháp để tiến hành việc này.
Bình luận (0)