Tài liệu ngoại giao mật của Mỹ mới được tiết lộ trên website WikiLeaks cho thấy một số chính phủ đã thúc ép Cơ quan Chống ma túy của Mỹ (DEA) mở rộng việc nghe trộm điện thoại.
Công bố tài liệu mật trên, báo The New York Times cho biết Chính phủ Mỹ muốn biết thông tin về các đối thủ chính trị. Đồng thời, tờ báo đưa ra nhận định DEA đã được chuyển thành một tổ chức tình báo toàn cầu.
Theo đài BBC, Panama và Paraguay nằm trong số các quốc gia được nêu tên. Tuy nhiên, Chính phủ Panama nhấn mạnh yêu cầu của Tổng thống (TT) Ricardo Martinelli về nghe trộm điện thoại đã được Đại sứ Mỹ ở Panama Barbara Stephenson hiểu sai ý.
Theo đó, TT Martinelli đã gửi cho vị đại sứ này một tin nhắn với nội dung: “Tôi cần sự hỗ trợ bằng những chiếc điện thoại nghe trộm”. Sau đó, vị đại sứ này khẳng định: “Tôi đã nhắc đến những tổ chức và cá nhân khác nhau mà ông ấy tin rằng cần phải được nghe trộm điện thoại. Ông đã không hề phân biệt giữa các mục tiêu an ninh hợp pháp và các đối thủ chính trị”.
Văn phòng TT Panama đã ra tuyên bố nói rằng chính phủ nước này lấy làm tiếc vì sự hiểu nhầm từ phía nhà chức trách Mỹ. Tuyên bố nêu rõ: “Đề nghị giúp đỡ đó là để chống lại tội phạm, buôn ma túy và tội phạm có tổ chức. Chúng tôi không bao giờ yêu cầu giúp đỡ để nghe trộm điện thoại của các chính khách. Hiểu như vậy là hoàn toàn sai lầm”.
Cơ quan Chống ma túy của Mỹ đã từng có việc làm ám muội với Tổng thống Guinea Lansana Kouyaté (trái),
Tổng thống Panama Ricardo Martinelli (giữa) và Tổng thống Sierra Leone Ernest Bai Koroma. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Bên cạnh đó, trong một tài liệu khác, DEA đã cố cưỡng lại đề nghị của Chính phủ Paraguay để do thám tổ chức quân nổi dậy ở nước này, tên gọi Quân đội Nhân dân Paraguay, vốn bị cáo buộc thực hiện một số vụ bắt cóc.
Hồi ký trị giá 1,5 triệu USD
Theo hãng tin AFP, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn của báo Sunday Times (Anh) phát hành ngày 26-12, nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange cho biết ông đã ký hợp đồng cho cuốn tự truyện của mình trị giá hơn 1,5 triệu USD (khoảng 30 tỉ đồng).
Theo Assange, số tiền này sẽ giúp ông tự bảo vệ mình chống lại các cáo buộc phạm tội tình dục ở Thụy Điển. Ông quả quyết: “Tôi phải viết cuốn sách này dù không muốn”. |
Khi các nhà ngoại giao Mỹ ngần ngại, Bộ trưởng Nội vụ Paraguay Rafael Filizzola đã dọa cấm DEA hoạt động ở nước này. Kết quả là, các nhà ngoại giao Mỹ đã đồng ý thực hiện nghe trộm điện thoại cho công việc chống bắt cóc trong những tình huống nhất định.
Tài liệu trên WikiLeaks ghi: “Chúng tôi đã thận trọng điều khiển tình hình rất nhạy cảm và đầy khó khăn về chính trị này. Dường như chúng tôi không có sự chọn lựa nào khác”.
Theo báo The Times (Anh), DEA hiện có 87 văn phòng ở 63 quốc gia và quan hệ đối tác với nhiều chính phủ. Đồng thời, nhiều chính phủ muốn lợi dụng công nghệ nghe trộm tiên tiến mà cơ quan này đang sử dụng.
Trong khi đó, các giới chức DEA và Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bàn về loại thông tin mà họ cho là không được công bố rộng rãi. Ông Lawrence Payne, người phát ngôn của DEA, cho biết cơ quan này không thể bình luận gì khi các tài liệu trên được xếp vào loại mật.
Bình luận (0)