Năm 1867, người ta phát hiện tro cốt của cô trong vựa lúa nhà của một dược sĩ ở Paris. Di cốt đựng trong một cái lọ thủy tinh gồm có vài mảnh xương sườn nám đen, xương đùi của mèo (lúc thiêu người ta quăng vào giàn hỏa mèo đen). Ngoài ra, còn có một số mảnh xương khác không rõ của ai, vài mảnh vải.
Trên nắp lọ có ghi dòng chữ “di cốt tìm thấy dưới giàn hỏa của Jeanne d’Arc, Nữ đồng trinh Orléans”. Giáo hội Công giáo nhìn nhận đó là di cốt của Jeanne d’Arc nhưng chưa bao giờ tuyên bố đó là thánh tích thật sự.
Để thẩm định giá trị của di cốt nói trên, năm 2006, giáo hội đã cho phép phân tích khoa học các mẫu di vật. Một ê kíp đa ngành với 18 chuyên gia đã tích cực làm việc trong 6 tháng. Họ đã phát hiện ra một số điểm khác thường không phù hợp với cách hỏa thiêu xác người.
Tạp chí khoa học Anh Nature mới đây đã đăng công trình nghiên cứu của Philippe Charlier - bác sĩ pháp y Bệnh viện Raymond-Pointcaré ở Garches - theo đó di cốt là phần còn lại của một... xác ướp Ai Cập. Theo bác sĩ Charlier, chất liệu đen bao quanh xương không phải do hỏa thiêu mà là một sản phẩm tẩm ướp có nguồn gốc thực vật và khoáng vật. Ông quả quyết: “Tôi hành nghề này rất nhiều năm, tôi thấy rất nhiều tro cốt con người. Đây không phải là tro cốt”.
Ngoài ra, những mảnh vải bao quanh di vật đem soi dưới kính hiển vi cho thấy nó được làm từ vải lanh Ai Cập. Không có mảnh nào bị cháy cả. Có rất nhiều phấn hoa thông trong lọ. Năm 1431, ở vùng Normandie chưa có thông. Nhựa thông được người Ai Cập hay dùng để ướp xác.
Dùng carbon 14 để xác định niên đại bằng máy gia tốc hiện đại, tro cốt này có niên đại từ 700 đến 230 năm trước Công nguyên chứ không phải thế kỷ 15, thời đại của Jeanne d’Arc.
Bí ẩn còn lại là tại sao lại có di cốt xác ướp Ai Cập trong nhà một người Pháp ở Paris? Lời giải thích hợp lý nhất là kể từ thời Trung Cổ, châu Âu nhập rất nhiều di cốt xác ướp Ai Cập về để các dược sĩ bào chế thuốc.
Bình luận (0)