Trưởng nhóm nghiên cứu, GS Eiji Ohtani, công tác tại Trường ĐH Tohoku ở tỉnh Miyagi, nói với đài BBC: “Chúng tôi tin rằng silicon là một thành phần quan trọng, chiếm khoảng 5% trọng lượng của lõi trái đất. Chúng hòa tan vào các hỗn hợp sắt - niken”.
Theo các nhà khoa học, lõi trái đất là một quả cầu rắn có bán kính khoảng 1.200 km, với sắt chiếm khoảng 85% trọng lượng và niken là 10%. Do không thể trực tiếp nghiên cứu lõi trái đất, giới khoa học tìm hiểu cấu tạo của nó thông qua các sóng địa chấn. Để tìm hiểu 5% còn thiếu là gì, GS Ohtani và nhóm nghiên cứu đã tạo ra hợp kim sắt - niken và “trộn” chúng với silicon.
Sau đó, họ cho hỗn hợp này chịu mức nhiệt độ và áp suất tương tự trong lõi trái đất. Kết quả, họ nhận thấy hỗn hợp này phù hợp với dữ liệu địa chấn ở trong lõi trái đất. Tuy nhiên, ông Ohtani cho biết vẫn còn nhiều việc phải làm để xác thực sự hiện diện của silicon và không loại trừ có các thành phần khác.
Bình luận về nghiên cứu trên, GS Simon Redfern của Trường ĐH Cambridge (Anh) nói: “Những thí nghiệm khó khăn này có thể hé lộ cách mà lõi trái đất hình thành vào 4,5 tỉ năm trước khi nó bắt đầu tách khỏi những phần đá của lớp vỏ trái đất”. Theo ông Redfern, một số công trình nghiên cứu khác gần đây đưa ra khả năng ôxy cũng có thể là thành phần quan trọng trong lõi trái đất.
Nếu một lượng lớn silicon được tích hợp vào lõi của trái đất hơn 4 tỉ năm trước, như kết quả nghiên cứu của GS Ohtani, phần còn lại của hành tinh sẽ tương đối giàu ôxy. Ngược lại, nếu ôxy bị rút vào lõi, lớp manti bao quanh lõi sẽ cạn kiệt ôxy.
Bình luận (0)