Trẻ bị bắt cóc biến thành cô nhi
Buổi sáng sau hôm Fei Mei bị bắt cóc, ba mẹ cô bé đến đồn cảnh sát làm tường trình, họ được biết rằng vào cùng đêm ấy, một bé gái khác cũng bị bắt cóc ở Dongguan. Vấn nạn này trở nên rõ ràng hơn trong những tuần gần đây với việc truy tố một đường dây mua bán trẻ em ở tỉnh Hồ Nam. Tháng 11-2005, cảnh sát bắt 27 thành viên trong một đường dây mà từ năm 2002 đã bắt cóc hoặc mua gần 1.000 trẻ em ở tỉnh Quảng Đông và bán chúng lại cho các cô nhi viện ở Hồ Nam với giá từ 400 USD đến 538 USD.
Theo tài liệu ghi nhận từ cơ quan điều tra và các cuộc phỏng vấn với những gia đình bị hại, hầu hết trẻ em được cho ở với các gia đình bình thường, đa phần trong số ấy là người Mỹ, để đổi lấy khoảng 3.000 USD mỗi bé - số tiền lớn gần gấp đôi thu nhập bình quân hằng năm của một người Trung Quốc. Theo hãng tin Tân Hoa Xã, tháng trước một tòa án ở Hồ Nam đã tuyên phạt 3 trong số những kẻ mua bán trẻ em 15 năm tù và 6 kẻ còn lại nhận mức 3 đến 13 năm tù. 23 quan chức chính quyền địa phương ở Hengyang, thành phố trung tâm các vụ án, đã bị cách chức.
Trên tuyến đường nơi Fei Mei biến mất, ba mẹ cô vẫn tự hỏi điều gì đã xảy ra với con gái họ. Ở một khung trời khác, tại Jenison (bang Michigan, Mỹ), Susan và Gordon Toering đưa con gái nuôi đi ngủ và tự hỏi chẳng biết em từ đâu tới. Họ đã nhận Stacie làm con nuôi vào tháng 8-2005 từ một cô nhi viện ở Hengyang. Một nhân viên ở văn phòng cung cấp con nuôi cho biết em bé được phát hiện bị bỏ rơi nhưng nguồn tin từ cơ quan tố tụng và hai luật sư bào chữa nói rằng một số giám đốc cô nhi viện đã lập báo cáo giả để hợp thức hóa việc cho con nuôi.
Thương mại hóa con nuôi
Theo báo cáo từ Chính phủ Trung Quốc, năm ngoái Mỹ cấp gần 8.000 visa cho các trẻ em Trung Quốc được cha mẹ người Mỹ nhận làm con nuôi. Hơn 50.000 trẻ em đã rời Trung Quốc đến Mỹ kể từ năm 1992 và hơn 10.000 trẻ khác đến những quốc gia khác. Chương trình nhận trẻ làm con nuôi giúp đưa trẻ em Trung Quốc vào ở với những gia đình nước ngoài có nguyện vọng nuôi con đồng thời cũng tạo nguồn tài chính đáng kể cho các cô nhi viện ở đất nước này. Tuy nhiên cũng có dư luận mỉa mai rằng việc này chẳng khác gì biến những bé gái Trung Quốc sinh ra ngoài ý muốn thành những món hàng giá trị đáng trộm cắp.
Một cơ quan nhà nước ở Bắc Kinh - Trung tâm Giao dịch Con nuôi - cho biết người nước ngoài muốn nhận con nuôi phải thông qua một văn phòng nước ngoài chứng nhận bởi Trung tâm Giao dịch Con nuôi. Thủ tục khá tốn kém, số tiền phải trả trước lúc đưa con nuôi đi khoảng 3.000 USD tiền mặt. Trên lý thuyết, tiền gởi cho cô nhi viện là khoản bồi dưỡng cho việc chăm sóc các em, nhưng cũng như nhiều dịch vụ do nhà nước quản lý ở Trung Quốc, các cô nhi viện thường dính líu vào việc lạm dụng tài chính.
Bình luận (0)