Bộ Nông nghiệp Liên bang Đức cho biết 2 ca bệnh ASF mới nhất được ghi nhận ở bang Lower Saxony (phía Tây, nơi chưa từng xuất hiện ca bệnh nào như vậy) và bang Brandenburg (phía Đông, đã ghi nhận ca bệnh). Khoảng 280 con heo trưởng thành và 1.500 con heo con ở trang trại thuộc khu vực Emsland, bang Lower Saxony sẽ bị tiêu hủy.
Trung Quốc và một loạt người mua khác đã cấm nhập khẩu thịt heo từ Đức vào tháng 9-2020 sau khi nước này phát hiện những ca bệnh ASF đầu tiên.
Bác sĩ thú y chuẩn bị tiêm vắc-xin phòng lở mồm long móng cho vật nuôi ở trang trại thuộc TP Bogor, bang Tây Java - Indonesia hôm 29-6 Ảnh: EPA
Theo Reuters, bệnh này không gây nguy hiểm cho người nhưng có thể khiến heo chết. Nhiều quốc gia đã cấm thịt heo từ các khu vực ghi nhận bệnh ASF, làm ảnh hưởng tới thương mại thực phẩm thế giới.
Lợn rừng từ Ba Lan tới Đức được cho là nguyên nhân gây bệnh ASF ở các bang Brandenburg và Sachsen. Hai bang này ghi nhận hơn 2.000 ca bệnh ASF cho đến nay. Chính phủ Đức đã tìm cách ngăn chặn và loại bỏ dần bệnh ASF ở phía Đông bằng cách giảm số lượng lợn rừng.
Trong khi đó, Úc đang đối mặt với nguy cơ bùng phát bệnh lở mồm long móng. Theo Cục Kinh tế Tài nguyên và Nông nghiệp Úc, xuất khẩu thịt của Úc có thể bị đóng cửa nhiều năm, các cộng đồng nông thôn bị ảnh hưởng và thiệt hại ước tính 80 tỉ USD nếu bị dịch bệnh này từ Indonesia tràn vào.
Các chuyên gia cảnh báo mức độ đe dọa của bệnh lở mồm long móng đã gia tăng nhanh chóng tại Úc. Lở mồm long móng trên gia súc, cừu, dê và lợn xuất hiện trở lại ở Indonesia vào tháng 5 năm nay sau khi quốc gia này tuyên bố không có ca bệnh lở mồm long móng nào trong hơn 30 năm qua.
Bác sĩ Úc Beth Cookson xác nhận bệnh lở mồm long móng đang lây lan ở Indonesia với 19 tỉnh được báo cáo là có ca bệnh (hơn 200.000 ca bệnh cho đến nay).
Bình luận (0)