Cuộc sống phải tiếp tục
Tuyên bố trên khuyến cáo công dân Mỹ “nâng cao cảnh giác ở những nơi công cộng hay khi sử dụng các phương tiện giao thông”, đồng thời “cần nhận thức về những gì đang xảy ra xung quanh ngay lập tức và tránh tụ tập đông đúc”. Trong bối cảnh hàng triệu người Mỹ chuẩn bị mừng lễ Tạ ơn (ngày 26-11) và kỳ nghỉ lễ cuối năm đến gần, Washington quả quyết việc duy trì cảnh báo trên đến ngày 24-2-2016 là cần thiết.
Trong khi đó, chính phủ Bỉ tuyên bố duy trì tình trạng báo động cao nhất tại thủ đô Brussels thêm 1 tuần. Tuy nhiên, hệ thống tàu điện ngầm và các trường học bắt đầu mở cửa từ ngày 25-11 và những chiếc ô tô vẫn nối đuôi nhau đông nghẹt trên các con đường Brussels vào giờ cao điểm.
Tuy vẫn lo sợ nhưng nhiều người dân Bỉ bắt đầu khó chịu vì nhịp sinh hoạt bị gián đoạn. Bà Jacqueline Vander-Poelen than phiền điều làm cư dân Brussels bực bội nhất là ngày nào truyền thông cũng đưa tin “một vụ khủng bố mới sẽ xảy ra”. Đỉnh điểm của tâm trạng này có lẽ là cáo buộc của Thị trưởng Brussels, ông Yvan Mayeur, nhằm vào chính phủ Bỉ. “Chúng ta không thể sống kiểu này được nữa. Chúng ta sẽ không sống dưới chế độ Hồi giáo. Nếu chúng ta đóng cửa trường học, cấm buôn bán, người dân không được vui chơi, thư giãn thì đây là kiểu sống gì?” - ông nói với đài RTBF một cách gay gắt, đồng thời lên án việc Bộ trưởng Giáo dục Bỉ Joelle Milquet muốn xây “phòng học an toàn” để bảo vệ học sinh khỏi bị xả súng.
Indonesia lo lắng
Trong lúc này, Tổng thống Pháp Francois Hollande đang nỗ lực tìm kiếm sự tăng cường hợp tác trong chiến dịch chống IS. Giới phân tích cho rằng ông Hollande đối mặt với thực tế không như kỳ vọng khi gặp người đồng cấp Mỹ Barack Obama tại Washington trong ngày 24-11 bởi ông chủ Nhà Trắng chưa có ý muốn thay đổi chiến lược chống IS. Ngoài ra, Mỹ cũng lo ngại việc ông Hollande có dấu hiệu cởi mở hơn với Tổng thống Nga Vladimir Putin khi 2 nhà lãnh đạo này dự kiến hội đàm tại Moscow vào ngày 26-11, một ngày sau khi tổng thống Pháp gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Một vấn đề khiến nhiều nước đang đau đầu là mối đe dọa từ những phần tử trở về quê nhà sau khi đến Syria gia nhập IS. Văn phòng Nghiên cứu quân sự nước ngoài (FMSO) của quân đội Mỹ vừa cảnh báo IS đang tăng cường tuyển mộ ở Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia. Một nhóm nghiên cứu tại Anh còn gọi Đông Nam Á là “điểm mù”cho hoạt động tuyển mộ của IS. Theo báo Washington Times, với cộng đồng người Hồi giáo lớn nhất thế giới với hơn 205 triệu người, Indonesia đang là mảnh đất màu mỡ cho IS vươn vòi. Năm ngoái, số người Indonesia đầu quân IS ở Syria khoảng 50 người nhưng FMSO khẳng định con số đó giờ đây đã tăng lên khoảng 500.
Bình luận (0)