Thứ trưởng dầu mỏ Abdo Hussameddin thông báo từ chức và tham gia “cuộc cách mạng của nhân dân” hôm 7-3. Ảnh: AFP
Ông Hussameddin, 58 tuổi, là chính khách cao cấp nhất rời bỏ chính quyền của Tổng thống bashar al-Assad kể từ cuộc nổi dậy cách đây một năm.
Trước đó, sau chuyến thăm thành phố Homs, người phụ trách công tác nhân đạo của Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết một số khu vực đã bị tàn phá trong cuộc tấn công của quân đội chính phủ. Bà Valerie Amos nói khu vực Baba Amr bị ném bom trông thật thê thảm. Chính quyền đã chiếm lại khu vực này tuần trước sau một cơn mưa pháo ác liệt. Các nhà hoạt động cho rằng quân đội đã phạm tội thảm sát từ lúc họ tiến vào khu vực này, trong khi chính quyền ở Damascus lại đổ lỗi cho phe nổi dậy gây ra nhiều cái chết.
Trong bộ vét-tông trang nhã và ngồi ở chiếc ghế bành, ông Hussameddin đọc dứt khoát lời tố cáo dài 4 phút về chế độ mà ông nói đã phục vụ suốt 33 năm qua. “Tôi, Abdo Hussameddin, thứ trưởng dầu mỏ và khoáng sản Syria, thông báo rời bỏ chế độ, từ chức và rút khỏi đảng Baath. Tôi sẽ tham gia cuộc cách mạng của nhân dân vốn không chấp nhận sự bất công và chiến dịch tàn bạo của chế độ”. Ông Hussameddin nói thêm rằng ông ra đi dù biết nhà của ông sẽ bị đốt và gia đình ông sẽ bị ngược đãi.
Một nhà hoạt động tên Rami, người đã tải đoạn video từ chức lên mạng, nói với hãng tin AFP ở Beirut rằng phe đối lập đã giúp sắp xếp việc từ chức của ông Hussameddin. Chính phủ Syria chưa bình luận công khai về quyết định của ông Hussameddin, trong khi một nữ phát ngôn viên của Hội đồng Chuyển tiếp Syria nói bà tin rằng sẽ có thêm nhiều thành viên nội các sẵn sàng ly khai.
Giữa lúc tình hình Syria đang có những dấu hiệu phức tạp mới thì ngày 8-3, Bắc Kinh thông báo đặc sứ Trung Quốc đã có các cuộc thảo luận ở Syria trong tuần này với đại diện của chính phủ và lực lượng đối lập. Theo hãng tin AFP, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đặc sứ Li Huaxin đã gặp Ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem trong chuyến thăm 2 ngày. Các nhà quan sát nhận định chuyến thăm của ông Li là nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm chống lại những cáo buộc của phương Tây và lãnh đạo các nước Ả Rập rằng bằng cách ngăn chặn các nghị quyết của LHQ, Trung Quốc và Nga đã hậu thuẫn cho hành động bạo lực đang gia tăng của các lực lượng chính phủ Syria.
Trong một diễn biến liên quan, Đại sứ Nga tại LHQ, ông Vitaly Churkin, đã cáo buộc chính quyền mới ở Libya đang điều hành một trại huấn luyện lực lượng nổi dậy ngay tại Syria, đồng thời trang bị vũ khí cho lực lượng này. Moscow cũng bác bỏ lời đồn đoán rằng Tổng thống Assad có thể được tị nạn chính trị tại Nga. Thủ tướng Nga Vladimir Putin nói nước này chưa thảo luận về khả năng cho tổng thống Syria tị nạn chính trị.
Bình luận (0)