Mười năm sau sự kiện 11-9-2001, CIA (Cục Tình báo Trung ương Mỹ) đã thay đổi nhiều, nhất là sau khi Luật Cải cách tình báo và phòng chống khủng bố có hiệu lực từ năm 2004.
Giống tổ chức bán quân sự
Mặc dù vẫn tiếp tục nhiệm vụ truyền thống là thu thập thông tin tình báo, CIA giờ đây tập trung nhân lực và tài lực vào công tác bắt sống hoặc tiêu diệt các phần tử khủng bố.
Chính sự phân bố sức lực chênh lệch nói trên đã khiến nhiều người, kể cả người trong ngành, cho rằng CIA không làm tròn nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo ban đầu, đánh mất khả năng “giải mã” những diễn biến mang tính toàn cầu như Mùa xuân Ả Rập.
Biệt kích SEAL của Jsoc đã được CIA đặt hàng giết Bin Laden hồi tháng 5-2011. Ảnh: MSN
Các tổ chức nhân quyền mạnh miệng hơn nhận xét rằng CIA bây giờ giống như một tổ chức bán quân sự nhưng ai giám sát hay chịu trách nhiệm về nó là chuyện tế nhị, thuộc về “thâm cung bí sử”.
Ví dụ như ai cũng biết CIA tổ chức thường xuyên các chuyến bay không người lái tiêu diệt các phần tử khủng bố, đặc biệt là các lãnh tụ Al-Qaeda ở Pakistan nhưng CIA chưa bao giờ chính thức công nhận chuyện này. Đơn giản vì đây là hoạt động bất hợp pháp. Pakistan không giống như Iraq hay Afghanistan.
Cơ quan trong cơ quan
Tại tổng hành dinh CIA ở Langley, bang Virginia, có một cánh cửa không mang bảng hiệu cho nên khách tham quan không biết nó là phòng cơ quan nào. Tên chính thức của đơn vị này là Trung tâm Chống khủng bố (CTC). Một cơ quan đầy quyền lực, ảnh hưởng lớn, tài nguyên dồi dào cho nên nhiều người còn gọi là “cơ quan trong cơ quan”.
CTC thật ra không phải là cơ quan mới. Nó có mặt ở CIA từ năm 1986, nhân sự chỉ có chừng 300 người vào thời điểm 11-9-2001. Ngay sau sự kiện làm rung chuyển nước Mỹ này, quân số CTC lập tức tăng lên 1.200 người và tính đến nay là 2.000 người, chiếm 10% tổng số nhân viên CIA. Giám đốc trung tâm là một nhân vật khá bí hiểm, tên tuổi không được công khai. Nhân viên chỉ biết ông ấy nghiện 2 món: thuốc lá và công việc.
Hoạt động của CTC rất rộng nhưng nổi bật nhất có 2 chuyện: những cuộc hành quân của máy bay không người lái tìm diệt địch và những “cuộc vận chuyển bất thường” tội phạm khủng bố đến các nhà tù bí mật nằm rải rác ở nhiều nước.
CIA có một phi đội máy bay không người lái có vũ trang gồm 30 chiếc kiểu Predator và Reaper. Phi công “lái máy bay” từ trung tâm điều khiển mặt đất là người của không quân Mỹ.
Trong 10 năm qua, chiến dịch “tìm và diệt địch” bằng máy bay không người lái này đã loại ra khỏi vòng chiến hơn 2.000 thành viên Al-Qaeda và thường dân, theo nhật báo Mỹ The Washington Post. Đây là việc gây bất ngờ trong công chúng.
Trong lịch sử của mình, CIA thường hỗ trợ những cuộc xung đột đẫm máu ở nước ngoài nhưng chưa bao giờ đích thân “bóp cò súng ” như bây giờ. Tổng hành dinh chiến dịch nói trên là Vụ Pakistan-Afghanistan (PAD), chiếm một tầng riêng của CTC. Hai PAD khác cũng được thành lập tại Yemen và Somalia.
Máy bay Predator của CIA. Ảnh: AP
“Địa điểm đen” hay nhà tù bí mật là một đặc sản khác của CTC và đang là một đề tài nóng trên các phương tiện truyền thông đại chúng quốc tế.
Trong 10 năm qua, CTC thực hiện những vụ bắt cóc và vận chuyển bí mật khoảng 3.000 người mà CIA nghi ngờ là phần tử khủng bố hoặc liên quan đến khủng bố đến các nhà tù bí mật ở nước ngoài để “thẩm vấn”. Những cuộc thẩm vấn này trên thực tế thường biến thành những vụ tra tấn.
Trong những ngày này, 3 nước Ba Lan, Romania và Lithuania đang bị Hội đồng châu Âu (EC) yêu cầu làm rõ về mối quan hệ với CIA trong những vụ vận chuyển bí mật nghi phạm khủng bố đến các “địa điểm đen”.
Năm 2006, một báo cáo của EC cho biết có khoảng 100 người bị CIA bắt cóc trên địa bàn châu Âu và tạm giam trong các nhà tù bí mật của các nước thành viên EC trước khi chuyển đến các nước khác với sự đồng lõa của các nước này.
Tổ chức bí hiểm nhất
Chính thức mà nói Mỹ đang tiến hành 2 cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan và Iraq. Lực lượng bán quân sự của CIA hoạt động công khai ở 2 nước này. Ở các nước như Yemen, Pakistan, Somalia, Philippines, Nigeria và Syria, Mỹ không có quyền thực hiện những cuộc hành quân chống khủng bố.
Tuy nhiên, CIA vẫn có thể thực hiện được điều đó bằng cách liên kết với JSOC (Bộ Chỉ huy các đơn vị biệt kích của các binh chủng Mỹ). Chẳng hạn như trong vụ ám sát Osama bin Laden ở Abbotabad, Pakistan, CIA dùng biệt kích SEAL hải quân Mỹ, một đơn vị của JSOC.
Theo The Washington Post, cuộc hành quân tìm diệt bin Laden nói trên do CIA thiết kế tại phòng tác chiến của CIA dựa theo các nguồn tin của CTC. Kế hoạch tác chiến đã được Tổng thống Obama duyệt và bật đèn xanh.
Cũng theo The Washington Post, JSOC là một tổ chức bí hiểm nhất của Mỹ thành lập năm 1980 với quân số ban đầu là 1.800 người và hiện giờ có trong tay 25.000 quân. Tổ chức này chuyên thực hiện những chiến dịch tình báo, bắt cóc, ám sát ở mọi nơi theo lệnh của tổng thống và bộ trưởng quốc phòng.
JSOC có đơn vị tình báo, phi đội máy bay không người lái, máy bay trinh sát, thậm chí vệ tinh do thám và đơn vị chiến tranh mạng riêng. Bí mật là phương châm của JSOC. Khi chiến đấu, lính JSOC không đeo bảng tên hay quân hàm. Khi làm việc trong các cơ quan dân sự và sứ quán Mỹ nước ngoài, nhân viên JSOC cũng không mặc quân phục như bên quân đội.
Bình luận (0)