Trước đó 2 năm, báo chí từng chụp được hình ảnh mờ ảo của chiếc RQ-170 Sentinel gần sân bay Mỹ ở Kandahar, miền Nam Afghanistan. Lúc đó, Bộ Quốc phòng Mỹ im thin thít không chịu bình luận gì. Vật bay không xác định có hình dáng giống như chiếc oanh tạc cơ tàng hình B-2 Spirit thu nhỏ và được ví như huyền thoại “người tuyết”.
Trong bối cảnh huyền bí đó, chiếc máy bay thám thính không người lái (UAV) bí mật nhất của Mỹ được các chuyên gia hàng không Mỹ gắn cho ngoại hiệu là “quái vật ở Kandahar”. Chiếc RQ-170 Sentinel (gọi tắt là Sentinel) thuộc biên chế không quân Mỹ nhưng chủ nhân thực sự của nó là CIA (Trung ương Tình báo Mỹ). Không quân chỉ làm nhiệm vụ “thiên lôi đả”, chỉ đâu đánh đó.
Dò tìm đồng vị phóng xạ
Có thể tóm tắt lý lịch của nó như sau: Sentinel do Skunks Works, bộ phận dự án phát triển vũ khí tiên tiến của hãng máy bay Lockheed Martin, sản xuất. Nó là một chiếc UAV không có đuôi, chỉ có hai cánh to lớn kiểu cánh dơi với sải cánh rộng từ 20 đến 27 m, có khả năng “tàng hình” đối với ra-đa và bay rất cao (hơn 15.000 m).
“Quái vật ở Kandahar” chụp năm 2007. Ảnh: A.W
Hai chữ RQ, trên phương diện kỹ thuật cho biết chiếc Sentinel không mang vũ khí. Nó khác với hai chữ MQ gắn với loại UAV có vũ trang như MQ-1 Predator và MQ-9 Reaper. Theo chuyên gia hàng không David A. Fulghum của tuần báo Aviation Week, đây là loại máy bay thám thính chiến thuật phục vụ các chiến dịch tình báo, còn Predator và Reaper làm nhiệm vụ tác chiến trong các chiến dịch quân sự.
Tờ The New York Times cho biết thêm chắc chắn chiếc Sentinel được trang bị hệ thống cảm biến đặc biệt có thể phát hiện những khối lượng đồng vị phóng xạ và hóa chất rất nhỏ nhằm chứng minh sự hiện diện của vũ khí hạt nhân.
Căn cứ mẹ của các Sentinel là sân bay thử nghiệm Tonopah, bang Neveda. Cuối năm 2007, các chiếc Sentinel được triển khai ở Afghanistan nhưng mãi đến cuối năm 2009 người ta mới chụp được rõ ràng chiếc RQ-170 đang chạy lấy đà trên đường băng sân bay quốc tế Kandahar. Lúc đó, nó mới chính thức được Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận.
Truy sát Bin Laden
Vai trò của chiếc Sentinel trước và trong cuộc hành quân truy sát trùm khủng bố quốc tế Osama Bin Laden ở thị trấn Abbottabad - Pakistan vào ngày Quốc tế Lao động năm 2011 lúc đầu không được tiết lộ trên mặt báo vì lý do chính trị. Bởi đó là một phi vụ bất hợp pháp. Mãi 25 ngày sau, tờ The Washington Post (WP) mới cho biết trong đêm 1 rạng sáng 2-5, có ít nhất một chiếc Sentinel giám sát từng giờ từng phút cuộc đột kích của biệt kích hải quân Seal vào nhà Bin Laden. Chính nó đã trực tiếp truyền hình ảnh độ nét cao - hơn hẳn ảnh của vệ tinh gián điệp - diễn biến tại chỗ về Nhà Trắng cho Tổng thống Obama và bộ sậu cố vấn an ninh quốc gia cùng xem.
Chiếc Sentinel cũng được trang bị thiết bị nghe lén thông tin liên lạc của quân đội Pakistan trong khu vực để tìm hiểu mức độ phản ứng của Pakistan.
Một chiếc RQ-170 Sentinel trên đường băng sân bay Kandahar năm 2009. Ảnh: Aviation Week
WP còn hé lộ rằng các quan chức Pakistan hết sức lo lắng và tức giận khi hay tin Mỹ dùng chiếc Sentinel hoạt động sâu trong lãnh thổ của mình như một tên gián điệp mà hệ thống ra-đa và cảnh báo Iran không hề hay biết.
Trước nay, Pakistan cấm chỉ Mỹ dùng các loại UAV như Predator và Reaper xâm phạm vùng trời nước này khi chiến đấu chống Taliban ở vùng giáp ranh Afghanistan. Do đó, Mỹ dùng chiếc Sentinel với hy vọng không bị phát hiện và được như ý. Khi Pakistan hay được và phản ứng kịch liệt thì chuyện đã rồi. Giám đốc Tình báo Pakistan, tướng Ahmed Shuja Pasha, sau đó đã phải từ chức vì không phát hiện cũng như không ngăn chặn được “hoạt động xâm phạm chủ quyền Pakistan” của Mỹ.
Quà Giáng sinh
Mấy hôm nay, Mỹ tiếp tục không thừa nhận chiếc máy bay mà Iran nói đã bẫy được bằng “bẫy điện tử” là chiếc Sentinel mất tích hôm 4-12. Trong nội bộ, đã có những đánh giá khác nhau về mức độ thiệt hại của sự cố này.
Ông Dan Goure, một nhà phân tích thuộc Học viện Lexington, so sánh chiếc Sentinel mất tích ở Iran với việc Liên Xô bắn hạ máy bay thám thính U-2 Mỹ cách nay 51 năm. Lúc đó, sự cố được coi là một thảm họa về chiến thuật và chiến lược của Mỹ.
Liên quan đến chiếc Sentinel nằm trong tay Iran hiện nay, ông Goure cho đó là “món quà Giáng sinh lớn nhất trong vòng một thập niên dành cho địch thủ của chúng ta”. Theo ông, Iran có thể sao chép kỹ thuật thiết kế máy bay tàng hình, vật liệu phủ tráng, công nghệ động cơ, hệ thống điều khiển và kiểm soát UAV. Từ đó phát triển các biện pháp chống máy bay tàng hình.
Nhà phân tích Richard Aboulafia của Tổ chức Teal Group tỏ ra ít bi quan hơn. Ông tin rằng các hệ thống điện tử trong chiếc Sentinel đã được mã hóa cao, trình độ khoa học kỹ thuật của Iran chưa thể bắt chước. Hơn nữa, chiếc Sentinel rơi từ độ cao trên 15.000 m không thể nào còn nguyên vẹn. Ông không tin chiếc máy bay trong video clip của Iran là chiếc Sentinel mất tích.
Hành trang quý giá nhất của Sentinel là chiếc ra-đa định pha kiểu AESA nằm dưới bụng và bộ cảm biến quang điện/hồng ngoại hiện đại nhất. Đây chính là những thứ mà Mỹ lo sợ nếu rơi nguyên vẹn vào tay Nga, Trung Quốc, Iran thì để lại hậu quả khôn lường.
Kỳ tới: Lộ diện điệp vụ tuyệt mật
Bình luận (0)