Cuộc tranh chấp bắt đầu bùng nổ ngay sau khi Chính phủ Nhật Bản thông báo quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vốn thuộc sở hữu tư nhân bằng cách mua lại 3 hòn đảo với giá 26 triệu USD. Như một giọt nước làm tràn ly, Bắc Kinh phản ứng ngay lập tức với tuyên bố của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào khẳng định việc chuyển nhượng đảo là hoàn toàn bất hợp pháp. Giải phóng quân nhật báo của quân giải phóng nhân dân TQ bình luận “Nhật Bản đang đùa với lửa”.
Người biểu tình Trung Quốc tấn công một quán rượu Nhật ở Thâm Quyến ngày 18-9. Ảnh: Reuters
Cuộc tranh chấp Trung - Nhật lần này đã kéo cả Mỹ vào cuộc do chiến lược của Washington đã chuyển hướng từ châu Âu sang châu Á - Thái Bình Dương. Bằng chứng của sự vào cuộc này thể hiện quá rõ ràng trong chuyến thăm Tokyo và Bắc Kinh tuần qua của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta với sứ mệnh “dàn hòa” hai nước đều là đối tác quan trọng của Mỹ.
Dù bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhiều lần nói Washington không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp Trung - Nhật (?), Tân Hoa Xã vẫn thẳng thắn cảnh báo: “Washington đã phạm sai lầm khi tuyên bố sẽ thi hành hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ đối với quần đảo Điếu Ngư. Mỹ không đủ tư cách hành xử như quan tòa trong vụ tranh chấp Trung - Nhật. Không có ai mời Mỹ làm trọng tài phân xử”.
Đánh giá “mặt được” và “chưa được” trong làn sóng biểu tình chống Nhật, nhiều học giả TQ không đồng tình với xu hướng kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong dân chúng. Giáo sư sử học Viện Vi Thời của Trường Đại học Tôn Trung Sơn ở Quảng Châu nhận xét: “Sẽ không thể có nhiều cuộc biểu tình tự phát lan rộng khắp đất nước nếu không có thỏa thuận ngầm của chính phủ”. Giáo sư Đạt Chí Cường thuộc Học viện Khoa học xã hội Hắc Long Giang tỏ ra bức xúc: “Tình hình sẽ trở nên phức tạp khi vấn đề tranh chấp lãnh thổ bị hòa trộn với các vấn đề xã hội trong nước như tệ nạn tham nhũng”.
Một điều lo ngại khác là quan hệ Trung - Nhật xấu đi sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước và sự phát triển của kinh tế khu vực. TQ và Nhật Bản là hai nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới. Thương mại song phương Trung - Nhật năm 2011 đạt 345 tỉ USD. TQ là khách hàng lớn nhất của Nhật Bản trong khi Tokyo là khách hàng lớn thứ 4 của TQ.
Bình luận (0)