Những gia đình thuộc đẳng cấp Bacchara của làng Sagar Gram thậm chí chuẩn bị cuộc sống hành nghề bán dâm cho con gái của họ kể từ khi chúng chưa chào đời. Khi chúng lớn lên, phụ huynh sẽ là người ra giá.
Đa số nam giới Bacchara không làm việc, phần vì không có việc làm và nếu có, họ cũng chỉ được làm những công việc bị xem là thấp hèn nhất với đồng lương rẻ mạt. Vì thế, họ dựa vào con gái. Nói cách khác, trẻ em gái sinh ra trong một gia đình thuộc đẳng cấp Bacchara cũng đồng nghĩa sẽ bị gia đình mình ngược đãi.
Nhiều bé gái thuộc tầng lớp Bacchara của làng Sagar Gram - Ấn Độ phải bán dâm từ năm 11 tuổi để nuôi gia đình Ảnh: THE GUARDIAN
Ấn Độ chính thức bãi bỏ hủ tục phân biệt đẳng cấp cách đây gần 70 năm. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn người dân vẫn xem đẳng cấp là yếu tố quyết định cuộc sống và hôn nhân của họ. Tình trạng phân biệt đẳng cấp vẫn khiến hàng triệu người "mắc kẹt" trong vòng xoáy bị ngược đãi.
Leena, 22 tuổi, cho biết cô còn nhớ như in điều dân làng đã nói khi cô mới 15 tuổi. "Bố mẹ cháu đang trải qua giai đoạn khó khăn. Sao cháu có thể đi học được? Cháu cần phải làm việc" - Leena kể lại với báo The Guardian về thời điểm mọi chuyện bắt đầu, đồng thời khẳng định đây là "trách nhiệm" của mình.
Bóc lột và "buôn bán" trẻ em ở làng Sagar Gram, cùng hàng chục ngôi làng khác khắp Ấn Độ, là một trong những vấn đề đáng báo động nhất. Ông Ashif Shaikh, thuộc tổ chức Jan Sahas hoạt động vì những người thuộc đẳng cấp thấp nhất ở Ấn Độ, chia sẻ: "Chúng tôi ước tính có 100.000 phụ nữ và bé gái đang là nạn nhân của tình trạng nô lệ đẳng cấp và giới tính này. Tuy nhiên, có thể còn nhiều hơn thế. Đây là một vấn đề vô hình".
Ông Nagendra Singh, thuộc đồn cảnh sát Jeeran gần làng Sagar Gram, khẳng định tình trạng này không dễ giải quyết vì nó đã trở thành "truyền thống". "Ngay cả những cô gái mà chúng tôi cố cứu giúp cũng quay lại con đường cũ. Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta không có công việc thay thế cho họ" - ông Singh giải thích.
Bình luận (0)