Binh lính Thái Lan và Campuchia tại vùng biên giới đang có tranh chấp đã nã súng máy, súng phóng lựu và đạn pháo vào nhau khiến ít nhất 7 người thiệt mạng vào rạng sáng 22-4.
Theo hãng tin Reuters, khu vực giao tranh chủ yếu là xung quanh hai ngôi đền Ta Moan và Ta Krabei, thuộc tỉnh Surin, Đông Bắc Thái Lan, cách ngôi đền Preah Vihear 93 km về hướng Tây Nam. Quan chức địa phương cho biết phía Thái Lan đã cho sơ tán 7.500 người dân gần khu vực có xung đột, trong khi phía Campuchia cho sơ tán 200 hộ gia đình. Hai bên đều cáo buộc binh lính bên kia khai hỏa trước.
Người dân Thái Lan sơ tán khỏi khu vực giao tranh hôm 22-4. Ảnh: REUTERS
Hãng tin AFP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwon: “Binh lính Campuchia đã bắn vào Thái Lan trước bằng súng máy và họ chuẩn bị nã pháo nên chúng tôi phải trả đũa”. Cũng hãng tin AFP dẫn lời người phát ngôn của Chính phủ Campuchia Phay Siphan, cáo buộc binh lính Thái Lan đã xâm nhập 0,4 km vào lãnh thổ Campuchia. Ông Phay Siphan nói: “Quân đội Thái Lan đã xông thẳng vào và vô cớ tấn công các vị trí đóng quân của Campuchia tại đền Ta Krabei. Chúng tôi không thể chấp nhận điều đó”.
Cuộc chạm súng kéo dài khoảng 4 giờ này khiến 4 binh sĩ Thái Lan, 3 binh sĩ Campuchia thiệt mạng và hơn 10 người khác bị thương. Sau đó, căng thẳng đã lắng dịu lại trong ngày 22-4 nhưng hai bên vẫn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên, nỗ lực hòa giải đang được xúc tiến. Người phát ngôn quân đội Thái Lan, trung tá Siriya Khuangsirikul, nói rằng cả hai bên “đang thương lượng một thỏa thuận ngừng bắn”.
Một binh sĩ Thái Lan bị thương trong vụ đọ súng với binh sĩ Campuchia hôm 22-4. Ảnh: AP
Các nước trong khu vực cũng quan tâm và kêu gọi kiềm chế. Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa tuyên bố: “Với tư cách chủ tịch ASEAN, Indonesia mạnh mẽ kêu gọi ngưng ngay chiến sự giữa Thái Lan và Campuchia”.
Biên giới Thái Lan-Campuchia có nhiều nơi hầu như chưa được phân định rạch ròi, một phần do mìn còn sót lại rải rác sau thời gian chiến tranh. Sự căng thẳng bắt đầu từ khi đền Preah Vihear được Liên Hiệp Quốc công nhận thuộc quy chế Di tích Thế giới từ tháng 6-2008. Trước đó, Tòa án Thế giới đã phán quyết ngôi đền cổ này thuộc về Campuchia vào năm 1962 nhưng hai bên vẫn còn tranh chấp khu đất kế cận 4,6 km2.
Việt Nam mong muốn hai bên kiềm chế
Theo TTXVN, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước xung đột xảy ra giữa Thái Lan và Campuchia ngày 22-4-2011, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nói: “Việt Nam mong muốn hai bên hết sức kiềm chế, tránh xung đột vũ trang, tiếp tục giải quyết bất đồng thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc và trên tinh thần hữu nghị, đoàn kết ASEAN, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới”. |
Bình luận (0)