Sông Dương Tử dài 6.385 km (dài nhất châu Á), bắt nguồn từ tỉnh Thanh Hải (cao nguyên Tây Tạng) ở phía Tây chảy qua 9 tỉnh và 2 khu tự quản trước khi đổ ra biển Đông.
Báo động đỏ
Cùng với Hoàng Hà, Dương Tử là con sông quan trọng bậc nhất trong lịch sử, văn hóa và kinh tế của Trung Quốc. Khu vực vành đai kinh tế Dương Tử Giang (YREB) - bao gồm cả đập Tam Hiệp là công trình thủy điện lớn nhất thế giới, đóng góp đến 42% GDP - cho thấy tầm quan trọng của khu vực về an ninh lương thực và năng lượng. Các số liệu chính thức của Trung Quốc cho biết YREB sản xuất 81% sợi hóa học, 59% vải vóc, 58% thuốc trừ sâu, 51% phân bón hóa học và 48% xi-măng.
Những ưu điểm kể trên đồng thời cũng là điểm yếu về môi trường. Chất lượng nước sông Dương Tử trong những năm gần đây, theo báo cáo năm 2015 của Bộ Bảo vệ Môi trường (MEP) Trung Quốc, đang ở mức báo động đỏ, nhất là nước sông các chi lưu và phụ lưu đạt cấp 5 (cấp cao nhất, độc hại cho con người khi tiếp xúc) và 5+. Chất lượng nước ở dòng sông chính khá hơn nhưng nguy cơ nhiễm độc từ các chi lưu và phụ lưu là rất lớn.
Theo kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020) của Trung Quốc, nước sông Dương Tử (dòng chính) phải đạt cấp 3 (con người có thể tiếp xúc) vào năm 2020 nhưng nếu không cải thiện được hiện trạng thì phải đợi đến kế hoạch 5 năm sau.
Các tổ chức và chuyên gia môi trường Trung Quốc đã lên tiếng báo động tình trạng ô nhiễm ở các chi lưu, phụ lưu và ao hồ của sông Dương Tử từ cả chục năm trước. Số liệu chính thức năm 2015 của Ủy ban Tài nguyên nước sông Dương Tử (YRWRC) cho biết hệ thống sông hồ của con sông này đã hứng trọn 33,9 tỉ tấn nước thải sinh hoạt và công nghiệp, tương đương 43% tổng lượng chất thải của cả nước trong năm 2014, theo nhịp độ “năm sau cao hơn năm trước”. Trong đó, chất thải công nghiệp chiếm đến 69% (năm 2005). Năm 2014, tỉ lệ này giảm còn 58% nhờ di dời và đóng cửa một số nhà máy gây ô nhiễm nhưng vẫn còn quá cao so với yêu cầu bởi nó ảnh hưởng đến nguồn nước uống của 584 triệu người sống trong vùng YREB.
Theo báo cáo mới nhất của YRWRC, kiểm tra chất lượng 329 nguồn nước uống lấy từ sông Dương Tử, chỉ có 193 nguồn bảo đảm vệ sinh an toàn cả năm. Tình trạng ô nhiễm nước sông cũng đe dọa chất lượng phù sa, nước ngầm và đất đai vùng YREB. Năm 2011, tạp chí Caixin từng phản ánh lúa sản xuất ở 2 tỉnh Hồ Nam và Hồ Bắc vùng YREB nhiễm kim loại nặng do hệ thống sông Dương Tử bị nhiễm nặng chất thải công nghiệp. Vì vậy, an ninh lương thực Trung Quốc cũng bị đe dọa.
Ai cũng muốn bỏ xứ
Tháng 5-2016, phóng viên tạp chí Sixth Tone đến TP Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc tìm hiểu tình trạng ô nhiễm trên sông Dương Tử chảy qua địa phương này sau khi nhận được rất nhiều phàn nàn của người dân. Nghi Xương một thời nổi tiếng khắp vùng với mùi thơm cam chanh. Giờ đây, nó cũng nổi tiếng với khói xả của các nhà máy phân bón có mùi hôi rất khó chịu khiến nhiều cư dân ở gần phải trốn trong những căn nhà cửa đóng then cài để khỏi bị ảnh hưởng.
Ông Zou Changxin (66 tuổi), nông dân huyện Khiêu Đình của TP Nghi Xương, than thở: “Làng tôi bị ô nhiễm đến mức ai cũng muốn bỏ xứ. Những người giàu có đã bỏ đi hết rồi, chỉ còn dân nghèo như tôi ở lại mà thôi”. Ngôi nhà nhỏ hai tầng của ông Zou nằm cách bờ sông vài trăm mét. Gia đình ông đã ở đây ba đời và từng uống nước sông an toàn. Thế nhưng, giờ đây, làng bị hàng chục nhà máy bủa vây. Số nông dân mắc bệnh cao huyết áp, rối loạn tâm thần, tiểu đường và ung thư ngày càng đông do nhiễm chất độc công nghiệp.
Ông Zou vẫn giữ một mặt nạ chống độc mà Tập đoàn Yiua Hồ Bắc phát cho dân trong làng vào năm 2006. Tháng 9 năm ấy, một nhà máy của tập đoàn làm rò rỉ khí sulfur dioxide khiến bầu trời dày đặc khí độc làm dân chúng ở gần nhà máy chạy tán loạn. Theo Tân Hoa Xã, sự cố này khiến 184 người phải nhập viện vì nhức đầu, khó thở.
Năm 2014, bản thân ông Zou mắc bệnh ung thư bàng quang, phải mổ hai lần. Hiện giờ, ông vẫn còn mang bên bụng túi đựng nước tiểu. “Tôi còn may, trong khi nhiều hàng xóm đã xanh mồ” - ông Zou nói và cho biết một số làng ở Khiêu Đình có tên mới là “làng ung thư”.
Giáo sư Gong Shengsheng, Trường Đại học Sư phạm Trung Hoa ở TP Vũ Hán, đã phát hiện 396 làng ung thư từ năm 1980 đến 2015 trong vùng YREB. Nghiên cứu của ông xác định chất thải hóa học là “cha đẻ” của các làng này. Tuy nhiên, ông từ chối cung cấp dữ liệu cụ thể cho tờ Sixth Tone vì tính chất nhạy cảm của các con số.
Năm 2013, Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc đã công bố một tài liệu xác nhận sự hiện hữu của làng ung thư do nhiễm độc chất thải công nghiệp. Theo tài liệu, cuộc điều tra năm 2010 đã phát hiện 15.000 nhà máy phân bón, dầu khí và dược phẩm xây dựng gần khu dân cư, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Cá tầm sắp tuyệt chủng
Cá tầm hoang dã trên sông Dương Tử được cho là tồn tại cách đây hơn 140 triệu năm. Thế nhưng, hiện giờ nó được liệt vào Sách đỏ Trung Quốc, nguy cơ tuyệt chủng rất cao nếu chất lượng nước con sông này không được cải thiện. Năm 2013, các nhà khoa học báo động không thể tìm thấy dấu hiệu loài cá quý hiếm này sinh nở tự nhiên nữa vì nạn ô nhiễm. Viện Hàn lâm Khoa học Thủy sản Trung Quốc cho biết trong 32 năm theo dõi sự sinh sản của cá tầm, đây là lần đầu tiên các nhà ngư học chứng kiến hiện tượng chưa từng thấy: Trứng cá tầm đã biến mất ở tỉnh Hồ Bắc và cũng không còn thấy loài này bơi theo dòng chảy sông Dương Tử ra biển trong tháng 8 như mọi khi.
Kỳ tới: Hoàng Hà - Nỗi buồn khôn nguôi
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 20-7
Bình luận (0)