Trong động thái leo thang căng thẳng ngoại giao với Trung Quốc, Washington hôm 21-7 thông báo Trung Quốc có 72 giờ để đóng cửa cơ sở ngoại giao nói trên, dẫn đến phản ứng mạnh mẽ và lời đe dọa trả đũa của Bắc Kinh.
Tại cuộc điều trần trước Ủy ban đối ngoại thượng viện hôm 22-7, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun cho biết quyết định trên được đưa ra do số lượng vấn đề tranh cãi giữa hai nước đang ngày một tăng.
Bất đồng lần này liên quan đến cáo buộc Trung Quốc hoạt động gián điệp thương mại, đánh cắp tài sản trí tuệ công ty Mỹ. Ngoài ra, Bắc Kinh còn bị tố đối xử không công bằng với giới ngoại giao và kinh doanh Mỹ, có hành vi đánh cắp công nghệ và công trình nghiên cứu nhạy cảm từ các trường đại học Mỹ để phục vụ lợi ích của quân đội Trung Quốc.
Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP Houston hôm 22-7. Ảnh: Reuters
Một số nhà phân tích và nghị sĩ ở Mỹ xem bước đi trên là sự leo thang căng thẳng có tính toán, đồng thời thắc mắc chiến lược sâu rộng hơn đằng sau nó.
Phát biểu mở đầu phiên điều trần nói trên, thượng nghị sĩ Bob Menendez cho biết ông muốn biết nhiều hơn về những cân nhắc chiến thuật đằng sau biện pháp mạnh nói trên và nó thúc đẩy chiến lược của Mỹ ra sao. "Chúng ta kỳ vọng biện pháp này tác động thế nào đến hành vi của Trung Quốc? Động thái tiếp theo của chúng ta sẽ là gì trong trường hợp Trung Quốc trả đũa?" - ông Menendez thắc mắc.
Trong khi đó, bà Jessica Chen Weiss, chuyên gia của Trường ĐH Cornell (Mỹ) cho rằng trừ khi có thêm bằng chứng được đưa ra, nhiều người sẽ đánh giá quyết định trên không khác gì nỗ lực bêu xấu Trung Quốc và hướng sự chú ý của cử tri Mỹ ra khỏi phản ứng kém của chính quyền ông Trump đối với đại dịch Covid-19.
Cũng chia sẻ nhận định này, ông Patrick Chovanec, chuyên gia tại Trường ĐH Columbia (Mỹ) cho rằng dư luận đánh giá ra sao về vụ việc sẽ phụ thuộc vào chuyện Mỹ có sẵn sàng chia sẻ thông tin liên quan hay không và liệu chúng có đủ sức thuyết phục hay không.
"Phản ứng thông thường đối với hành động gián điệp là trục xuất những cá nhân liên quan. Đóng cửa một lãnh sự quán là bước đi rất mạnh mẽ" - ông Chovanec viết trên Twitter.
Tổng lãnh sự quán TQ tại TP Houston. Ảnh: EPA-EFE
Trong khi đó, một số chuyên gia hoài nghi hành động mạnh tay của Mỹ có liên quan đến bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về Trung Quốc tại bang California trong ngày 23-7 (giờ địa phương). Đây sẽ là bài phát biểu thứ 4 trong một tháng qua của ông Pompeo, quan chức đang chỉ trích hành động và tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh.
Ông James Green, từng là nhà ngoại giao Mỹ hoạt động tại Trung Quốc, nhận định quyết định đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc có thể giúp bài phát biểu này được chú ý nhiều hơn và có thêm sức nặng.
Tương tự, ông Daniel Russel, cựu quan chức ngoại giao thời Tổng thống Barack Obama và hiện là phó chủ tịch Viện chính sách xã hội châu Á, cho rằng không ít người sẽ thắc mắc về mối liên hệ giữa quyết định đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc và bài phát biểu sắp tới của ông Pompeo, nhất là khi ngoại trưởng Mỹ đang tăng cường chỉ trích Bắc Kinh thời gian qua.
Bình luận (0)