Mỗi năm, có đến hàng chục triệu người trong số 246 triệu người di cư ở Trung Quốc về quê ăn Tết.
Thế nhưng, “cuộc đại di cư lớn nhất thế giới” năm nay - ước đạt 2,91 tỉ lượt đi lại từ ngày 24-1 đến hết 3-3, tăng 3,6% so với năm ngoái - đặt ra câu hỏi khó cho các chính quyền địa phương: Sẽ ra sao nếu những người này không trở lại làm việc sau Tết?
Câu hỏi này không phải quá mới. Hồi năm 2009, khoảng 20 triệu người thất nghiệp Trung Quốc về quê ăn Tết giữa lúc kinh tế toàn cầu khủng hoảng, làm gia tăng nỗi lo về bất ổn xã hội. May là phần lớn người này đã trở lại làm việc khi Bắc Kinh thực thi một loạt biện pháp kích thích kinh tế sau đó.
Dù vậy, viễn cảnh về những biện pháp kích thích kinh tế hiện nay còn mờ mịt. Quan trọng hơn, Trung Quốc đang đối mặt xu hướng dòng di cư trở lại thôn quê. Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc vào tuần rồi cho biết số lượng dân nhập cư đã giảm 5,68 triệu người trong năm 2015 - mức giảm đầu tiên trong 3 thập kỷ qua.
Nguyên nhân chính là do sự sụt giảm của lĩnh vực sản xuất đòi hỏi nhiều nhân công và kinh tế các vùng nông thôn đang được cải thiện nhờ một loạt chính sách hỗ trợ, đầu tư. Bên cạnh động cơ kinh tế, nhiều người muốn về quê để chăm sóc cha mẹ và ăn thực phẩm “sạch”.
Theo trang tin Bloomberg (Mỹ), số người khởi nghiệp ở nông thôn Trung Quốc trong nửa đầu năm 2015 đã tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tỉnh Tứ Xuyên, nơi có người lao động di cư hàng đầu đất nước, ghi nhận hơn 40.000 người về quê trong năm qua. Bà Dương Trấn, nhà xã hội học nổi tiếng tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định làn sóng người di cư trở về nông thôn sẽ đạt đỉnh trong 5-10 năm tới.
Bình luận (0)