Các chuyên gia ngày 19-10 cảnh báo những đám cháy rừng gây khói mù khắp Đông Nam Á đã lan sang nhiều khu vực mới ở Indonesia và khó có thể dập tắt vào cuối năm nay. Các quốc gia láng giềng đang tăng sức ép lên chính quyền Jakarta để giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng khói mù “đến hẹn lại lên” mỗi năm, xuất phát từ việc nông dân và chủ đất đốt nương rẫy lấy đất trồng cây cọ, phục vụ ngành sản xuất giấy gây cháy rừng.
Với sự trợ giúp từ các nước láng giềng, Indonesia từng hy vọng dập tắt hoàn toàn các đám cháy rừng trong vòng 2 tuần (tính từ ngày 12-10). Dù vậy, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Malaysia Wan Junaidi Tuanku Jaafa ngày 19-10 cảnh báo những nỗ lực của cộng đồng quốc tế không đạt kết quả khả quan. Hậu quả là Đông Nam Á sẽ phải sống chung với khói mù thêm vài tuần nữa, cho đến khi mùa mưa bắt đầu ở Indonesia. “Nếu trời không mưa, không có cách nào con người có thể dập tắt các đám cháy rừng. Chúng tôi hy vọng mưa sẽ xuất hiện vào giữa tháng 11” - ông Wan Junaidi bày tỏ.
Chuyên gia Herry Purnomo thuộc Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế ở TP Bogor - Indonesia cũng dự báo: “Có lẽ khói mù sẽ kéo dài đến tháng 12 năm nay hay sang tận tháng 1-2016”. Ông Herry cho biết các “điểm nóng” đã lan sang tỉnh Papua, vốn ít khi bị cháy rừng hoành hành. “Lý do là người ta mở thêm các khu nông nghiệp mới, trong đó có dầu cọ (tại tỉnh Papua)” - ông Herry giải thích.
Hôm 16-10, Indonesia mở cuộc “tổng tấn công” cháy rừng với quy mô lớn nhất kể từ khi thiên tai bùng phát, huy động 32 máy bay để hỗ trợ hơn 22.000 nhân viên cứu hỏa trên các đảo Sumatra và Borneo song chưa thấy tiến triển đáng kể. Với thời tiết hanh khô do hiện tượng El-Nino, các chuyên gia lo rằng khói mù thời gian tới sẽ càng tồi tệ. Tình trạng này đã khiến hàng ngàn người nhập viện vì những vấn đề hô hấp; nhiều chuyến bay và một số sự kiện quốc tế trong khu vực bị hủy.
Riêng Bộ Giáo dục Malaysia cho biết đã ra lệnh đóng cửa các trường học ở thủ đô hành chính Putrajaya, thủ đô Kuala Lumpur và nhiều bang từ ngày 19-10 do khói bụi quay trở lại. Theo Bộ Tài nguyên thiên nhiên và Môi trường Malaysia, ô nhiễm không khí trở nên xấu đi là do 2 cơn bão Koppu và Champi trên Thái Bình Dương làm thay đổi hướng gió. Bộ trưởng Wan Junaidi ước đoán chất lượng không khí ở Malaysia chỉ được cải thiện vào khoảng giữa tháng 11.
Trong khi đó, tại Philippines, khói mù đã phủ dày đặc bầu trời ở TP Davao, thủ phủ đảo Mindanao và nhiều khu vực trên đảo này.
Vòng đàm phán cuối về khí thải nhà kính
Các nhà đàm phán khí hậu đã nhóm họp tại TP Bonn - Đức ngày 19-10 để bàn về dự thảo kế hoạch giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Cuộc họp kéo dài 5 ngày và là vòng đàm phán cuối cùng trước khi các nhà lãnh đạo thế giới gặp nhau tại thủ đô Paris - Pháp vào cuối năm 2015.
Theo hãng tin Bloomberg, các nhà đàm phán sẽ nỗ lực đạt thỏa thuận về cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, vốn thất bại trong cuộc họp thượng đỉnh năm 2009 ở TP Copenhagen - Đan Mạch. Đàm phán tại Bonn còn tập trung xác định các mục tiêu dài hạn, cách thức giám sát và xác minh việc thực thi giảm khí thải.
Các quan chức Liên Hiệp Quốc trong tháng này công bố dự thảo mới nhất của văn kiện được đưa ra thảo luận. Tuy nhiên, nhiều người đánh giá nội dung văn kiện này chưa đủ mạnh để đối phó hiệu quả tình trạng toàn cầu ấm dần lên. Bà Christiana Figueres, một quan chức về khí hậu của Liên Hiệp Quốc, nhận định thế giới đã “có nhiều tiến bộ” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu kể từ hội nghị ở Copenhagen.
Bình luận (0)