Sự quan tâm đến đồng NDT cũng được thể hiện tại Hội nghị Các Bộ trưởng kinh tế Á - Âu (ASEM) gồm 25 nước tham dự đang họp tại Đại Liên (TQ). Tuy vấn đề này không có trong chương trình làm việc, nhưng bên lề hội nghị đã có cuộc vận động hậu trường khá nhộn nhịp. Hưởng ứng gợi ý của Bộ trưởng Tài chính Mỹ John Snow, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Hwang Doo Yun nói: “Đồng NDT là một nhân tố rất quan trọng đối với các đối tác buôn bán của TQ, vì vậy chúng tôi rất quan tâm tới tỉ giá hối đoái của NDT”.
Tuy nhiên, lập luận phản đối nâng tỉ giá NDT cũng khó phản bác. Nhà kinh tế Stephen Roach của Quỹ Morgan Stanley (New York) nói có 3 nguyên nhân TQ không thể thay đổi chính sách tiền tệ hiện nay. Thứ nhất, đã có sự lẫn lộn về tính chất cái gọi là mối đe dọa xuất khẩu của TQ. Thế giới có một nhận thức sai lầm rằng các công ty TQ đang giành nhiều thị phần toàn cầu không dễ gì nhượng lại. Thứ hai, TQ không cạnh tranh trên cơ sở đồng tiền hạ thấp tỉ giá hối đoái, mà cạnh tranh chủ yếu về các tiêu chuẩn giá nhân công, kỹ thuật, chất lượng, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và quyết tâm cải cách. Thứ ba, TQ đang tập trung vào cải cách thị trường vốn và ngành ngân hàng. Chừng nào hai mục tiêu này chưa đạt được thì sẽ là quá sớm và nguy hiểm nếu thả nổi đồng NDT.
Phản ứng chính thức của TQ là lúc này chưa thể thay đổi tỉ giá NDT bất chấp sức ép từ mọi phía. Thống đốc Ngân hàng Nhân dân TQ Chu Hiểu Xuyên tuyên bố: “Đất nước ta sẽ duy trì đồng NDT và tiếp tục cải tiến cơ chế tỉ giá hối đoái”. Ông Hoàng Kim Lão, chuyên gia Viện Nghiên cứu Tài chính của Ngân hàng TQ, trả lời Báo Thanh Niên Bắc Kinh: “Nếu chúng ta tăng tỉ giá giả tạo sẽ dẫn đến hậu quả “các đồng tiền nóng” tràn vào sẽ đẩy giá NDT lên cao hơn nữa. Điều này rõ ràng có ảnh hưởng đến xuất khẩu của ta và tạo nhiều sức ép thiểu phát đối với giá cả nội địa”.
Trả lời sự đả kích của phương Tây, tờ báo chính thức China Daily viết: “Trong một kỷ nguyên mà mọi người đang tranh giành nhau thị phần lớn hơn trong nền kinh tế toàn cầu, việc chỉ trích một nước về chính sách hối đoái và cố tìm mọi cách gây sức ép đòi nước đó tăng tỉ giá hối đoái đồng tiền chỉ là nhằm bào chữa cho sự không nhận biết được những gì sai sót ở ngay sân nhà mình... Khi đồng NDT dao động ở tỉ giá 8,28/1 USD và sụt nữa do USD sụt giá thì người ta đồng loạt hô hoán tỉ giá cố định đó là không công bằng, chỉ có lợi cho TQ chiếm thị phần lớn của thị trường toàn cầu và đòi giá trị NDT phải được nâng lên hoặc lập tức cho thả nổi để sức mạnh thị trường định đoạt giá trị. Có thật tỉ giá cố định hiện nay là không công bằng? Xin trả lời: Không! Giá trị NDT phải được nâng lên một cách giả tạo? Không! Nó phải được thả nổi? Đúng, nhưng không phải lúc này và lúc nào thả nổi chỉ có TQ mới có quyền quyết định”. Bài báo viết tiếp: “TQ cảm thấy dễ chịu với tỉ giá hối đoái hiện nay và sẽ tiếp tục duy trì trong tương lai gần. Chỉ có TQ mới có quyền quyết định chính sách tỉ giá hối đoái của mình mà không có hiệp định quốc tế nào được cấm đoán. Nhưng TQ đã nói rõ rằng mục tiêu của mình là có một cơ chế hối đoái linh hoạt hơn và sau này đồng NDT sẽ được thả nổi cho thị trường định đoạt giá trị. Thay đổi quá sớm tỉ giá hối đoái vào lúc này rất có khả năng gây những cú sốc tài chính và làm hại nền kinh tế. Liệu một nền kinh tế TQ rối ren có là điều đáng mong muốn không? Xin hãy hỏi các hãng Boeing, Honda và Nokia!”.
Tán thành quan điểm của TQ, nhà kinh tế Stephen Roach của Tổ chức Morgan Stanley (Mỹ) nhận xét một cách hài hước: “TQ đang có nguy cơ trở thành con dê tế thần trong nền kinh tế toàn cầu ngày càng trục trặc. Đã đến lúc một thế giới ngày càng hướng nội phải nhìn vào gương soi và chấm dứt cái trò chơi nguy hiểm oán trách chửi rủa người khác”.
Đỗ Chuyên
(*) Xem Báo NLĐ từ số ra ngày 24-7-2003
Bình luận (0)