Theo AP, trước hàng loạt lệnh trừng phạt cứng rắn của Mỹ và châu Âu do Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin phải dùng "các biện pháp tiền tệ cực đoan” để giảm nhẹ tác động.
Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất lên 20%, trong khi Điện Kremlin thực hiện kiểm soát vốn nghiêm ngặt đối với những cá nhân, tổ chức muốn đổi đồng rúp lấy USD hoặc đồng euro.
AP nhận định sự phục hồi của đồng rúp ngày 30-3 có thể là dấu hiệu cho thấy lệnh trừng phạt nhằm vào Nga không đủ gây sức ép để nước này rút lực lượng khỏi Ukraine. Điều đó cũng chỉ ra nỗ lực hỗ trợ đồng rúp bằng cách sử dụng lĩnh vực dầu khí khổng lồ của Moscow.
Một cơ sở trao đổi tiền tệ hiển thị tỉ giá đồng USD và euro với đồng rúp ngày 28-2. Ảnh: AP
Trước khi Nga xung đột với Ukraine, đồng rúp giao dịch ở mức 85 rúp/ USD. Đến ngày 7-3, giá trị đồng rúp giảm xuống mức 150 rúp/ USD sau khi xuất hiện thông tin Mỹ sẽ cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga.
Trong khi đó, việc các nước châu Âu mua dầu mỏ và khí đốt của Nga ngày càng bị chỉ trích là tạo kẽ hở và giúp ích cho nền kinh tế Nga.
AP cho biết đồng rúp tăng giá mạnh ngày 30-3 giữa lúc Nga cởi mở hơn về đàm phán ngừng bắn với Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden lưu ý lệnh trừng phạt đối với các tổ chức tài chính, công ty và lĩnh vực thương mại khiến đà tăng trưởng kinh tế của Nga bị chậm lại và hàng trăm công ty quốc tế ngừng kinh doanh ở nước này.
Nỗ lực bảo vệ đồng rúp của Moscow có thể gặp trở ngại vì Ngân hàng Trung ương Nga không thể tiếp tục tăng lãi suất - vốn dẫn đến giảm nhu cầu vay vốn từ các doanh nghiệp và cá nhân. Sau cùng, lệnh trừng phạt được cho là sẽ gây tổn thương cho nền kinh tế Nga, đè nặng lên đồng rúp và làm tiền tệ Nga suy yếu.
Ngoài ra, Thượng nghị sĩ Mỹ Pat Toomey viết trong một email gửi AP: "Sự phục hồi của đồng rúp dường như cho thấy lệnh trừng phạt của Mỹ không làm tê liệt nền kinh tế của Nga. Mỹ cần cắt giảm doanh số dầu mỏ và khí đốt của Nga trên toàn cầu".
Tín hiệu lạc quan đối với Nga là nước này vẫn tiếp tục xuất khẩu dầu khí sang châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ, đóng vai trò là "đòn bẩy" cho nền kinh tế. Tổng thống Vladimir Putin cũng kêu gọi Ngân hàng Trung ương Nga buộc các nhà nhập khẩu khí đốt nước ngoài trả bằng đồng rúp cho Tập đoàn nhà nước Gazprom.
Bình luận (0)