"Giám sát không có nghĩa là mọi công dân Nga đều phải bị theo dõi. Điều đó chỉ mang nghĩa giám sát chung những gì đang diễn ra trong cộng đồng và phản ứng với các yếu tố rủi ro" - ông Pavel nói với CNN Prima News hôm 18-6.
"Đó là một biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho công dân của chúng tôi, để không tái xảy ra vụ việc tương tự ở Vrbetice" – ông Petr Pavel nói, đề cập vụ nổ 2 kho đạn ở phía Đông Nam CH Czech vào năm 2014.
Chính quyền CH Czech khi đó cáo buộc các đặc vụ Nga đứng sau vụ nổ và trục xuất một số nhà ngoại giao Nga vì vụ việc. Đáp lại, phía Moscow phủ nhận mọi cáo buộc liên quan.
Tổng thống CH Czech Petr Pavel. Ảnh: Pirátská strana
Phát biểu trước đó - ngày 15-6, tổng thống CH Czech kêu gọi "giám sát chặt chẽ hơn" người Nga trong bối cảnh đang xảy ra cuộc xung đột với láng giềng Ukraine.
Nga xếp CH Czech vào nhóm "quốc gia không thân thiện" từ năm 2021. Moscow giải thích đó là do các "chính sách thù địc"h của Prague, bao gồm việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga.
CH Czech là thành viên Liên minh châu Âu (EU) và NATO, cũng là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ Kiev từ khi xung đột bùng phát và đã tiếp nhận gần nửa triệu người tị nạn từ Ukraine.
Tổng thống Pavel tháng trước nói rằng việc ủng hộ Ukraine gia nhập EU và NATO nên là mục tiêu dài hạn, dù việc này sẽ mất thời gian.
Trong khi đó, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cho biết Helsinki sẽ xem xét liệu sự hiện diện của lãnh sự quán Nga trên quần đảo phi quân sự Aland có phù hợp với các hiệp ước quốc tế hay không.
"Điều quan trọng là phải theo dõi chặt chẽ xem lãnh sự quán có duy trì đúng vai trò của mình hay không" - ông Niinisto cho biết tại một diễn đàn ở Helsinki hôm 18-6. Theo tổng thống Phần Lan, ông đã "yêu cầu làm rõ tình trạng pháp lý của lãnh sự quán Nga trong các hiệp định quốc tế".
Quang cảnh bên ngoài lãnh sự quán Nga tại Mariehamn trên quần đảo Aland. Ảnh: Big News Network
Quần đảo Aland đã có một vị thế đặc biệt từ giữa thế kỷ XIX. Moscow đã thành lập một lãnh sự quán ở Mariehamn, thủ phủ của Aland, vào năm 1940.
Nơi đây được phi quân sự hóa theo Hiệp ước Paris năm 1856. Việc phi quân sự hóa quần đảo này sau đó được xác nhận theo Hiệp ước Hòa bình Paris năm 1947, được ký kết giữa Phần Lan và đồng minh sau Thế chiến II.
Phần Lan từ năm ngoái đã từ bỏ chính sách trung lập lâu đời và nộp đơn xin gia nhập NATO, viện dẫn lo ngại chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Quốc gia này chính thức trở thành thành viên thứ 31 của NATO vào tháng 4 vừa qua. Điện Kremlin vào thời điểm đó cho biết việc tiếp tục mở rộng NATO là "sự xâm phạm an ninh của Nga" và tuyên bố sẽ áp dụng "các biện pháp đáp trả".
Bình luận (0)