icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đồng vợ đồng chồng phạm tội ác diệt chủng

THẢO HƯƠNG

Hai vợ chồng Ieng Sary được vua Sihanouk chính thức xá tội năm 1996 sau khi từ bỏ hàng ngũ Khmer Đỏ đã hết thời quay về với Chính phủ Campuchia. Kể từ đó, họ sống trong một biệt thự lớn ở thủ đô Phnom Penh. Ngày 12-11 vừa qua, cả hai đã bị bắt theo lệnh của tòa án diệt chủng với cáo buộc tội phạm chiến tranh và gây tội ác chống nhân loại

Ieng Sary, cựu thủ phó tướng kiêm ngoại trưởng Campuchia thời Khmer Đỏ từ 1975 đến 1979, có ít nhất 4 tên khác. Tên khai sinh của y là Kim Trang, sinh ngày 24-10-1925 tại tỉnh Trà Vinh. Tên gọi trong nhà khi còn ở Việt Nam là Penh. Trong quá trình tham gia Khmer Đỏ, y lấy bí danh là Sou Hav và “đồng chí Vann”.

Cha của Ieng Sary là Kim Riem, người Khmer Nam Bộ (Khmer Krom) còn mẹ y là bà Trần Thị Lợi, người Hoa di cư đến Trà Vinh từ hồi còn nhỏ. Ieng Sary là con út trong gia đình có ba anh chị em. Người anh cả là Kim Châu từng làm trưởng ban quản lý chợ Orussey, Phnom Penh dưới chế độ Khmer Đỏ. Năm 1980, Châu đưa vợ con sang Mỹ định cư ở bang Florida. Chị thứ ba tên Kim Thị Cầu và chồng là Thạch Song nay đã chết để lại 7 đứa con trong đó có một người đã chết, ba người ở Campuchia và ba người ở Việt Nam.

Thạch Vutha, con trai của bà Cầu, cho biết trước khi sang Pháp du học, Ieng Sary có trở về làng quê một lần nhận tiền bán 4 tấn gạo của chị dâu để có tiền đi du học. Tuy nhiên, từ đó y cắt đứt mọi liên hệ với gia đình mặc dù mẹ y rất nhớ con cứ hỏi thăm luôn.

Đồng hội đồng thuyền

Ieng Sary, thủ lĩnh Khmer Đỏ Pol Pot (tên thật là Saloth Sar), và vợ tương lai của hai người này là hai chị em Khieu Thirith và Khieu Ponnary đều học ở trường Sisovath, một trong hai trường trung học công lập nổi tiếng nhất ở thủ đô Phnom Penh. Sau đó họ cùng sang Pháp học. Trước khi đi, Ieng Sary hứa hôn với Khieu Thirith, còn chị bà này là Khieu Ponnary sau đó lấy Pol Pot. Cả hai trở thành anh em cột chèo.

Tại Paris, Ieng Sary học khoa thương mại và chính trị tại trường Sciences Po (Học viện Chính trị Paris) danh tiếng của Pháp . Giữa năm 1949 và 1951, y và Pol Pot gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1951, cả hai từng tham gia đại hội thanh niên ở Đông Đức. Sau đó cả hai cùng với Khieu Samphan và Hou Youn, hai người có học vấn cao nhất trong ban lãnh đạo Khmer Đỏ, thành lập một tổ chức bí mật mang tên câu lạc bộ Mác-xít trong hội sinh viên Khmer.

Năm 1959, Ieng Sary trở về nước dạy sử địa trường tư Kampuch Botr. Tháng 9 -1960, y được giới thiệu vào trung ương Đảng Lao động Campuchia. Ba năm sau, y chạy vào rừng Kampong Cham xây dựng lực lượng khi chiến dịch bài cộng của ông vua Sihanouk bắt đầu. Năm 1975, y vào trung ương Đảng Cộng sản Campuchia. Ngày 9-10, là nhân vật số 3 của Khmer Đỏ, y được Pol Pot giao nhiệm vụ phụ trách đối ngoại của đảng.

Sau khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ, Ieng Sary và vợ vào “chiến khu” tiếp tục chống lại chính quyền Campuchia. Khi vua Sihanouk mở chiến dịch ân xá, Ieng Sary và vợ “cải tà quy chánh” và được xá tội năm 1996. Cho đến ngày bị bắt, hai vợ chồng sống trong một biệt thự to có lính gác cẩn thận. Nhiều nhân chứng sống sót dưới chế độ Khmer Đỏ tố cáo chính Ieng Sary đã thuyết phục các nhà ngoại giao, sinh viên và Khmer kiều sinh sống ở nước ngoài về nước để rồi bị giết không thương tiếc.

img
Nhà của vợ chồng Ieng Sary tại quận Chamkar Mon, Phnom Penh.

Kẻ khởi xướng chiến dịch thanh trừng nội bộ

Không ai có thể tưởng tượng kẻ khởi xướng “cánh đồng giết chóc” ở Campuchia là một người phụ nữ Campuchia đầu tiên đậu bằng cử nhân Anh văn tại Trường Đại học Sorbonne danh giá của Pháp. Đó là Khieu Thirith vợ của Ieng Sary. Cả hai cưới nhau tại tòa thị chính quận 15 Paris mùa hè năm 1951. Khieu Thirith sau đó cải danh là Ieng Thirith, lấy theo họ chồng.

Khieu Thirith, năm nay 75 tuổi, là con gái thứ hai của một quan tòa ở tỉnh Battambang. Hồi thế chiến thứ hai, ông quan này bỏ mẹ con Khieu Thirith chạy theo một cô công chúa. Khieu Thirith và chị hai là Khieu Ponnary đều tốt nghiệp đại học ở Pháp.

Trở về Campuchia năm 1957, Ieng Thirith giảng dạy ở trường đại học và mở trường tư dạy Anh văn ở Phnom Penh. Năm 1965, Ieng Thirith theo chồng vào bưng biền. Năm 1975, Khmer Đỏ lên cầm quyền, Ieng Thirith trở thành thành phần cốt cán của Angkar (tổ chức), được bổ nhiệm làm bộ trưởng bộ xã hội.

Theo hồ sơ của Trung tâm Tư liệu Campuchia, một tổ chức độc lập với tòa án diệt chủng Campuchia chuyên thu thập những bằng chứng tội ác của Khmer Đỏ, với tư cách là bộ trưởng xã hội, Ieng Thirith đã đi thị sát vùng Tây Bắc năm 1976 để điều tra về tình hình y tế mà bà ta mô tả là kinh khủng. Nhưng quan trọng hơn cả là bà ta phát hiện trong hàng ngũ Khmer Đỏ trong vùng có “nhiều phần tử nước ngoài trà trộn trong đảng để phá hoại cách mạng”.

Trở về Phom Penh, bà ta đã báo cáo với Pol Pot phát hiện của mình và “người anh cả” của Khmer Đỏ đã dựa theo báo cáo đó để tiến hành chiến dịch thanh trừng nội bộ ở vùng Tây Bắc. Đây là một trong những thời kỳ đẫm máu nhất của chế độ Khmer Đỏ. Khoảng 17.000 “kẻ thù của cách mạng” – theo cách gọi của Pol Pot – được tập trung về nhà tù S-21 tức Tung Sleng để tra khảo và hành quyết. Trong số này, chỉ có khoảng 10 người sống sót .

Tội của Ieng Thirith, theo tài liệu công tố của tòa án diệt chủng Campuchia, là tham gia “lên kế hoạch, chỉ đạo, phối hợp, ra lệnh thanh toán nội bộ trên diện rộng và tiến hành giết người trái phép nhân viên thuộc quyền trong bộ xã hội”. Ngày 12-11, Ieng Thirith bị bắt về tội gây tội ác chống nhân loại. Theo hãng tin AP (Mỹ), báo chí Campuchia gần đây cho biết Ieng Thirith có dấu hiệu bị rối loạn tâm thần có thể không đủ tư cách để ra tòa lãnh án.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo