Hai ông bà Dominique Strauss-Kahn (DSK) và Anne Sinclair đã trở về Pháp ngày 4-9 và giữ im lặng từ đó đến nay. Các cố vấn truyền thông của ông DSK cho biết “trong vòng 15 ngày ông ấy sẽ nói ra sự thật” về vụ bê bối tình dục ở New York (Mỹ) cách nay hơn 4 tháng khiến ông mất chức tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), mất luôn cơ hội sáng sủa tranh đua với ông Nicolas Sarkozy vào Điện É1ysée (Phủ Tổng thống Pháp), sinh hoạt riêng tư bị phơi bày giữa bàn dân thiên hạ khắp năm châu.
Vẫn còn hữu dụng
Cách đây mấy ngày, một tờ nhật báo loan tin DSK có thể lên đài truyền hình muộn, vào ngày 25-9, để không ảnh hưởng đến cuộc tranh luận của 6 ứng viên Đảng Xã hội trong cuộc bầu cử sơ khởi sắp tới trên kênh truyền hình France 2 vào ngày 15-9 để cử tri “chọn mặt, gửi vàng”.
Tuy nhiên, có vẻ như ông DSK đang rất nóng ruột vì dư luận báo chí đang gây bất lợi cho ông, nhất là trong vụ nhà văn nữ trẻ Tristane Banon kiện ông về tội mưu toan cưỡng hiếp.
Ngày trở về của ông DSK đã được các cố vấn truyền thông của ông chuẩn bị hết sức công phu, theo một chiến thuật được cân nhắc rất kỹ thiệt hơn. Ông DSK thừa biết vụ ông bị bắt về tội tình nghi cưỡng hiếp cô hầu phòng ở New York đã làm hoen ố hình ảnh của ông ở quê nhà như thế nào.
Ông cũng biết tuy vẫn còn nhiều người Pháp tin rằng ông bị gài bẫy, mắc hàm oan nhưng số người không tin ông, lên án ông, coi ông là một chính khách vứt đi cũng không ít (63% muốn ông đứng ngoài chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2012, theo kết quả thăm dò của TNS Sofres).
Ông Dominique Strauss-Kahn tươi cười trước các nhà báo khi về tới nhà. Ảnh: AFP
Do đó, ông có nhu cầu phải lên tiếng “nói lại cho rõ” bởi đằng nào ông cũng không muốn giã từ chính trường một cách ngang xương như vậy.
Nhất là trong thời buổi nước Pháp – và cả châu Âu – đang gặp khủng hoảng nợ, người ta lấy làm tiếc cho ông DSK vốn là “một trong số ít kinh tế gia lỗi lạc và một chính khách tài ba của cánh tả vẫn còn hữu dụng trong lĩnh vực hóa giải khủng hoảng nợ”. Như tờ báo Anh The Financial Times nhận định trong một bài xã luận.
Là bộ trưởng tài chính từ năm 1997 đến 1999, ông DSK đã mở đường cho nước Pháp vào khu vực đồng euro bằng những biện pháp cắt giảm nợ và thâm thủng ngân sách hữu hiệu. Năm 2010, ông đã giúp châu Âu vượt qua sự chia rẽ trong nội bộ về cuộc khủng hoảng nợ đầu tiên của Hy Lạp.
“Tôi vô tội”
Vấn đề đặt ra cho ông DSK là nên tổ chức ngày trở về như thế nào? Lặng lẽ kín tiếng để tránh đối đầu với báo chí, nhất là đám paparazzi (săn trộm ảnh) hay công khai và hiên ngang, không sợ đối đầu với đám đông và báo chí để chứng tỏ “tôi vô tội”.
Có ý kiến cho rằng người Pháp muốn ông trở về một cách kín đáo là hay nhất. Thay vì đến Paris như đã thông báo trước, hai ông bà sẽ đáp máy bay xuống Bruxelles (Bỉ) rồi đi ô tô về Paris, đẩy cánh nhà báo vào thế việt vị.
Tuy nhiên, ông DSK không phải là một người dễ bắt nạt. “Tại sao một người vô tội phái tránh né sự dòm ngó của dư luận? Bí mật về nước tức là thú nhận mình có tội” – các cố vấn truyền thông của ông DSK đã giải thích như vậy.
Và ngày trở về của ông y như mong đợi được giới báo chí săn đón ồn ào. Vợ chồng ông DSK bay thẳng từ New York đến sân bay Charles de Gaulle vào sáng sớm ngày 4-9.
Ông DSK tươi cười vẫy tay chào đám đông ủng hộ ông ở sân bay Charles de Gaulle như thể ông là người vô tội nhưng không phát biểu gì cả. Thậm chí, hai ông bà đứng nán lại trong vài phút cho cánh nhà báo chụp ảnh, quay phim trước khi lên xe trực chỉ nhà riêng ở quãng trường des Vosges, quận IV, Paris.
Trước cửa nhà, ngoài đám báo chí và những người hiếu kỳ, còn có các thành viên của mấy hội nữ quyền giương biểu ngữ chống ông DSK.
Trút bầu tâm sự
Trước đây, ông DSK – với tư cách là tổng giám đốc IMF - muốn lên đài truyền hình lúc nào cũng được, không cần cân đong đo đếm ngày giờ bởi vì ông biết rõ sức nặng những lời ông nói. Bây giờ mọi sự đã khác. Sự xuất hiện của ông không đúng lúc có thể gây hại cho Đảng Xã hội mà ông từng là một đảng viên xuất sắc vì đang trong thời điểm vận động tranh cử.
Nếu trước đây ông thường xuất hiện trên đài France 2 nay ông chọn TF1 vì ở đó có bà Claire Chazal là bạn thân và đồng nghiệp của vợ ông ở TF1 là bà Anne Sinclair. Như vậy, nếu thông tin của Le Point chính xác thì bà Claire Chazal sẽ phỏng vấn ông DSK lúc 20 giờ ngày 18-9.
Ông DSK sẽ nói gì? Theo tuần báo Le Point, bà Chazal sẽ hỏi khéo ông hai chuyện nhức nhối đối với ông. Đó là vụ cô hầu phòng người Guinée ở New York tố cáo ông cưỡng hiếp và vụ nữ văn sĩ Pháp Tristane Banon cũng tố cáo ông về tội tương tự xảy ra cách nay 8 năm.
Vụ án cô hầu phòng đã khép lại vì ông thẩm phán cho rằng những lời khai của nguyên đơn không đáng tin cậy. Nhưng vụ cô Banon mới bắt đầu và ông DSK đã đến Phòng Cảnh sát Paris để thẩm phán lấy lời khai với tư cách là nhân chứng vào ngày 12-9.
Tất nhiên, bà Chazal sẽ tạo điều kiện tối đa để ông DSK trút bầu tâm sự và đưa ra một “thông điệp hết sức trang trọng và mạnh mẽ” sau khi cân nhắc kỹ càng. Trong mấy ngày qua, ông DSK không nói gì vì không muốn “dục tốc bất đạt”. Đương nhiên đây sẽ là bài phát biểu được cả nước Pháp theo dõi và bình luận.
Kỳ tới: Họa vô đơn chí
Bình luận (0)