Theo Reuters ngày 20-4, các mô hình khí hậu cho thấy sau 3 năm kiểu thời tiết La Nina xảy ra ở Thái Bình Dương (thường làm nhiệt độ toàn cầu giảm nhẹ), thế giới sẽ chứng kiến El Nino - hiện tượng khiến nhiệt độ tăng - tái xuất hiện trong năm nay.
Hiện tại, năm nóng nhất từng được ghi nhận là 2016, trùng với thời điểm hiện tượng El Nino diễn ra mạnh mẽ. Ông Friederike Otto, chuyên gia tại Viện Grantham thuộc Đại học Hoàng gia London (Anh), nhận định nếu El Nino trở lại như dự báo, năm 2023 có thể còn nóng hơn năm 2016, nhất là khi thế giới tiếp tục ấm lên do con người vẫn đang đốt nhiên liệu hóa thạch.
Ông Otto cũng cảnh báo nhiệt độ cao do ảnh hưởng của El Nino có thể làm trầm trọng hơn các tác động của biến đổi khí hậu, như nắng nóng nghiêm trọng, hạn hán, cháy rừng…
Thời tiết nắng nóng tại TP Bhubaneswar - Ấn Độ hôm 16-4 Ảnh: The Hindu
Thông tin trên được đưa ra giữa lúc châu Á đang trải qua những ngày nắng nóng cực đoan, gây sức ép lên nỗ lực phục hồi kinh tế và bảo vệ sức khỏe người dân tại các nước bị ảnh hưởng. Lào là quốc gia mới nhất lập kỷ lục mới về nhiệt độ hôm 18-4 (42,7 độ C tại TP Luang Prabang).
Trong khi đó, theo đài CNN, dữ liệu từ Cục Khí tượng Thái Lan cho thấy nhiệt độ tại nước này có lúc lên tới 45 độ C vào cuối tuần qua. Nước láng giềng Myanmar cũng chứng kiến nhiệt độ cao kỷ lục trong tháng 4 (44 độ C tại thị trấn Kalewa hôm 17-4).
Còn tại Trung Quốc, hơn 100 trạm thời tiết ở 12 tỉnh ngày 17-4 ghi nhận nhiệt độ cao nhất trong tháng này. Thời tiết nóng cũng xuất hiện ở Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên hôm 19-4 khi nhiệt độ lên đến gần 32 độ C, một con số cao khác thường trong tháng này.
Thời tiết nóng cũng phổ biến, thậm chí còn gây chết người ở Nam Á. Pakistan, Ấn Độ, Nepal và Bangladesh đều chứng kiến nhiệt độ lên đến 40 độ C trong nhiều ngày.
Theo một số chuyên gia, nắng nóng kỷ lục trong năm nay ở châu Á là một xu hướng khí hậu rõ ràng, cũng như sẽ gây ra không ít thách thức về sức khỏe cộng đồng trong những năm tới.
Bình luận (0)