icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Du lịch Iraq thời hậu chiến

Trúc Lâm (Theo Reuters/VNS)

Ngoài tiềm năng dầu mỏ thuộc loại nhất, nhì thế giới, Iraq cũng đang là niềm hy vọng lớn cho du lịch. Trong thời kỳ chiếm đóng quân sự, trong tình trạng bạo lực và mất trật tự, mọi dịch vụ gần như đình trệ vậy mà một công ty lữ hành Anh, Hinterland Travel, dự định hoạt động trở lại tại Iraq bằng tua du lịch dự kiến bắt đầu vào ngày 7-9.

Iraq có nhiều di tích của nền văn minh cổ đại như khu vực vườn treo Babylon, các thánh địa của Hồi giáo phái Shiite tại thành phố Najaf và Kerbala cũng như nhiều vùng phong cảnh đẹp của sa mạc, hồ và núi, thích hợp cho những du khách muốn tìm hiểu miền Trung Đông.

Người điều hành Công ty Hinterland, ông Geoff Hann, dự định cho khách tham quan Iraq trong vòng 2 tuần và hiện đã có 6 khách hàng đăng ký. Hinterland đã tổ chức tua du lịch tại Iraq từ những năm 1970. Ông nhận xét rằng dưới thời ông Saddam Hussein, hoạt động du lịch rất nề nếp và trật tự chứ không hỗn độn như hiện nay. Sau một thời gian gián đoạn, gần đây, ông Hann đã trở lại Iraq để khảo sát trước và dự định sẽ nhờ lực lượng vệ binh Iraq bảo vệ du khách. Ông cho rằng du khách sẽ an toàn vì rõ ràng họ không liên can gì đến lực lượng do Mỹ cầm đầu đóng quân tại đây. Ông nói: “Chúng tôi không mặc đồng phục lính Mỹ, vì thế chúng tôi sẽ không là mục tiêu của người Iraq”.

Ngoại trừ vấn đề an ninh, nỗi lo khác của ông Hann là du khách khó viếng một số địa điểm khảo cổ ở Iraq vì nhiều nơi hiện đã trở thành doanh trại lính Mỹ. Trong số này có khu vực vườn treo Babylon, nơi ông Saddam Hussein đã xây dựng một dinh thự riêng cho ông ta và khu nhà dành chiêu đãi khách đặc biệt. Muốn đến được nơi này phải có giấy hẹn của quân đội Mỹ cho phép khách đến thăm vào ngày thứ ba và thứ năm hàng tuần.

Tại Baghdad, một số hướng dẫn viên du lịch Iraq đang chờ đợi việc làm. Đứng bên ngoài trụ sở cũ của cơ quan du lịch Iraq hiện đã hoang tàn vì cướp bóc, Basim Mohammad Hamza than thở về tình cảnh của anh và các đồng nghiệp: “Chúng tôi gồm 128 người, nghĩa là gồm 128 gia đình có trẻ con”. Hamza nói rằng đoàn du lịch gần đây nhất mà anh hướng dẫn là đoàn người Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đến Iraq hồi tháng 2. Các hướng dẫn viên này hưởng tỉ lệ phần trăm tiền vé của đoàn khách du lịch vào cửa các di tích. Ngoài việc không có thu nhập do hiện không có khách du lịch đến Iraq, những người này cũng không có nguồn trợ cấp nào dành cho viên chức nhà nước trong tình trạng hỗn độn sau chiến tranh. Họ cũng không được đăng ký lãnh tiền vì họ không thuộc bộ phận văn phòng của bộ du lịch Iraq cũ. Các hướng dẫn viên này nói rằng họ đang bị đối xử bất công vì một số quan chức của Bộ Du lịch cho rằng họ làm gián điệp cho cơ quan an ninh của ông Saddam Hussein nhằm theo dõi người nước ngoài, một cáo buộc mà họ luôn bác bỏ.

Ông Raad Alawi, một quan chức thuộc Bộ Văn hóa Iraq, tin vào tương lai tươi sáng của ngành du lịch nước này. Từng quản lý một khách sạn lớn ở Baghdad, ông nhận xét rằng rồi đây ngành du lịch có thể còn kiếm nhiều tiền hơn cả ngành dầu khí tại Iraq. Ông hy vọng du lịch sẽ trở lại thời vàng son như hồi những năm 1970. Cuộc chiến với Iran những năm 1980, cuộc chiến với Kuwait và sau đó Iraq bị cấm vận trong những năm 1990 đã làm gián đoạn sự phát triển của ngành du lịch tại nước này.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo