Vợ chồng ông Kararuza chết tức thì, còn con gái họ bị thương. Chưa nhóm nào lên tiếng nhận trách nhiệm của vụ việc xảy ra ngay tại thủ đô Bujumbura.
Bất ổn nổ ra liên miên ở Burundi kể từ khi Tổng thống Pierre Nkurunziza tuyên bố sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba vào tháng 4 năm ngoái. Từ đó đến này đã có hơn 400 người chết vì bạo lực.
Một loạt quan chức quân đội cấp cao của Burundi trở thành mục tiêu trong khi Tổ chức Ân xá quốc tế cũng báo buộc lực lượng an ninh nước này giết chết những người chống đối và vùi xác họ xuống các nấm mồ tập thể.
Các đối thủ của ông Nkurunziza cho rằng nhiệm kỳ thứ ba sẽ phá vỡ thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt nội chiến trước đây. Tuy nhiên, ông vẫn tái đắc cử vào tháng 7-2015.
Hiện nay, tại Burundi có 3 nhóm vũ trang chống lại chính phủ của ông Nkurunziza, trong đó một nhóm được dẫn dắt bởi các tướng lĩnh đã thực hiện cuộc đảo chính thất bại hồi tháng 5-2015.
Không lâu sau vụ tấn công ở Bujumbura, Tòa án Hình sự quốc tế thông báo sẽ bắt đầu một cuộc điều tra sơ bộ về tình hình bạo lực ở Burundi.
Theo phóng viên đài BBC, vụ sát hại tướng Kararuza là cú đấm đối với Tổng thống Nkurunziza vì nó chứng tỏ ông không thể đảo bảo an toàn cho các thuộc cấp. Mới hôm 24-4, Bộ trưởng Nhân quyền Burundi, ông Martin Nivyabandi, cũng bị tấn công bằng lựu đạn khi vừa ra khỏi nhà thờ nhưng may mắn sống sót.
Nhiều người lo ngại bạo lực có thể kéo Burundi quay lại tình trạng diệt chủng đã từng xảy ra. Tổng thống Nkurunziza nguyên là thủ lĩnh của nhóm nổi dậy Hutu đã đụng độ với quân đội do người Tutsi chiếm đa số nhiều năm liền trước khi ông lên nắm quyền vào năm 2005 nhờ một thỏa thuận hòa bình.
Lo sợ bạo lực tràn lan, Liên minh châu Phi từng tuyên bố đưa 5.000 lính gìn giữ hòa bình đến Burundi bất chấp nước này chấp nhận hay không. Tuy nhiên, tổ chức này sau đó rút lại tuyên bố trên.
Bình luận (0)