Jane Taylor, vợ của một lính Úc hiện sống ở Brisbane, là một trong những người vợ quân nhân Úc đang lo lắng và bức xúc sau khi đọc được đề xuất nói trên của đại úy Williamson. Giờ đây, ngoài nỗi lo cho an nguy của chồng và mong ngóng ngày chồng về đoàn tụ với mẹ con cô, Jane còn hoang mang khi nghĩ đến viễn cảnh chồng mình sẽ ngủ với một cô gái mại dâm - lao động tình dục hợp pháp nào đó.
Trong bài viết nhan đề "Tình dục và chiến tranh – Cuộc hội thoại quân đội cần thực hiện" được đăng trên trang web chính thức của Lực lượng Quốc phòng Úc hồi tháng 11, đại úy Williamson, người đang làm nhiệm vụ ở Trung Đông, đề xuất rằng quân đội Úc nên ký hợp đồng gửi các lao động tình dục (cả nam lẫn nữ) ra các tiền đồn vận hành và các căn cứ không quân để "phục vụ" những người lính ở đây.
Những người lính xa nhà thường bị stress vì nhớ nhà và cô đơn. Ảnh minh họa: iStockphoto
Theo đại úy Williamson, điều này có thể giúp giải tỏa stress cho người lính, giúp họ nguôi nỗi nhớ nhà và có thể kéo dài thời gian xa cách người yêu, vợ con, bạn bè… và nhờ đó sẽ thích nghi tốt hơn với cuộc sống trong vùng chiến sự. "Sự tương tác tình dục và gần gũi về thể xác có thể giúp ích cho những cựu binh chiến đấu bị hậu chấn tâm lý" – Đại úy Williamson viết.
Ở Úc, lao động tình dục được xem là hình thức lao động hợp pháp dù rằng mỗi bang lại có quy định cụ thể khác nhau.
Bài viết gây tranh cãi nói trên của đại úy Williamson đã lan truyền với tốc độ cực nhanh trong dư luận và dù đã được xóa khỏi trang web của quân đội Úc chỉ sau 10 ngày nhưng người ta vẫn đang tiếp tục bàn tán về nó.
Jane Taylor bày tỏ: "Thật kinh tởm khi lực lượng quốc phòng lại cho đăng đề xuất đó trên trang web chính thức của quân đội". Theo cô, sự cô đơn đúng là vấn đề lớn cho các nam nữ quân nhân Úc với tỷ lệ tự tử cũng như tỷ lệ ly dị không phải là thấp. Tuy nhiên, việc cung cấp lao động tình dục cho họ sẽ chỉ làm cho cả 2 vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn.
Cô chia sẻ: "Mỗi ngày chúng tôi đều lo lắng, không biết liệu chồng có còn sống trở về, liệu con cái có gặp lại bố chúng không. Mỗi giây trôi qua, chúng tôi đều tự hỏi chồng mình còn sống không. Thế nên, chúng tôi không muốn chồng mình say xỉn một đêm nào đó và có sẵn một cô gái mại dâm để họ phạm sai lầm. Rồi sau đó thì sao chứ? Họ về nhà thú nhận với vợ để bị đuổi đi? Hay sẽ giữ bí mật cho đến khi nó gặm nhấm họ từ bên trong? Như thế chỉ tạo thêm stress không cần thiết và sẽ làm tăng tỷ lệ tự tử và ly dị".
Giải pháp là gì?
Thay vì gửi lao động tình dục ra tiền tuyến, Jane cho rằng Bộ Quốc phòng Úc nên cho phép các quân nhân được dành nhiều thời gian hơn cho gia đình họ. Hiện nay, hầu hết các nam nữ quân nhân được cho phép về thăm nhà 1 đến 2 tuần giữa nhiệm vụ của họ. Nhưng vấn đề là nhiệm vụ có thể kéo dài đến 1 năm nên chỉ 1-2 tuần nghỉ có vẻ như không đủ đối với hầu hết các gia đình.
"Đôi khi bạn có thể không nghe tin tức gì từ chồng hay vợ mình trong suốt 5-6 tuần. Có lẽ họ (Bộ Quốc phòng Úc) nên đầu tư vào việc giúp đỡ quân nhân liên lạc với gia đình và cho chúng tôi được gặp chồng, vợ, người yêu của mình thường xuyên hơn. Tôi có thể chăm lo được các nhu cầu của chồng nên có lẽ thay vì gửi lao động tình dục ra tiền tuyến, họ nên cho chúng tôi bay ra đó. Họ nên theo những chính sách giúp gắn bó gia đình thay vì đẩy các gia đình đến bờ vực tan vỡ".
Lực lượng Quốc phòng Úc nói gì?
Bộ Quốc phòng Úc vẫn đang cố gắng cải thiện hình ảnh từ sau xì-căng-đan sex trên Skype năm 2011 (khi đó, một học viên nam của Học viện Quốc phòng Úc đã quay phim cảnh quan hệ tình dục với một nữ học viên và phát đoạn phim này cho các học viên khác xem). Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Úc nói rằng bài viết của đại úy William được đăng là do lỗi kiểm duyệt và không phản ánh việc thực thi các chính sách của Bộ Quốc phòng Úc.
Phát ngôn viên này cho biết: "Bài viết được đăng trên diễn đàn Land Power thuộc trang web quân đội Úc hôm 6-11 và đã được xóa vào ngày 15-11 vì nó không phản ánh chính sách của lực lượng quốc phòng".
Bình luận (0)